Trong khuôn khổ “Tuần lễ du lịch Đồng Tháp” (diễn ra từ ngày 7 – 14.1.2017) , người dân miền Tây Nam bộ đã khá là ngạc nhiên khi thấy những vị khách trong trang phục sặc sỡ đặc trưng của Đồng bào dân tộc ít người vùng Tây Bắc, xuất hiện ở nhiều điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Đồng Tháp…
Đó là đoàn khách Famtrip do Công ty Du lịch Lửa Việt và Trung tâm Tư vấn & Dịch vụ Phát triển Du lịch CTB tổ chức, theo lời mời của UBND tỉnh và Trung tâm Phát triển Du lịch Đồng Tháp. Đoàn có đến hơn 80 người, trong đó có khoảng 30 nhà báo, số còn lại là những doanh nghiệp lữ hành, đặc biệt trong số này có 14 người thuộc dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc của tổ quốc. Họ không phải là khách du lịch bình thường, mà là chủ của những Homestay (cơ sở lưu trú và cùng sinh hoạt với gia đình chủ nhân), thuộc hệ thống CBT (Community Based Tourism Travel – Doanh nghiệp xã hội phát triển du lịch cộng đồng). Họ xuôi về Đồng Tháp để tìm hiểu, thăm thú vùng đất phương Nam còn khá là xa lạ, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong kinh doanh du lịch qua hình thức Homestay…
Ông Nguyễn Văn Mỹ – Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt kể rằng, họ phải đi máy bay từ Hà Nội vào TP.HCM, sau đó tiếp tục di chuyển bằng xe ca về miền Tây. Đêm đầu tiên ở TP.HCM, các hướng dẫn viên của Lửa Việt đã đưa đoàn khách đặc biệt này thăm thú nhiều nơi và họ đã “tha” về khách sạn cơ man nào là hàng hóa để làm quà cáp (dễ hiểu, bởi họ là chủ cơ sở kinh doanh du lịch, có điều kiện…). Tới Đồng Tháp, vị Chủ tịch tỉnh đón tiếp họ một cách thân tình ở Khu di tích Xẻo Quít, những bộ váy áo thổ cẩm của họ được ông quàng thêm chiếc khăn rằn đặc trưng Nam bộ, và chiếc khăn này đã như một mốt thời trang không thể thiếu của họ trong suốt cuộc hành trình.
Ấn tượng mạnh đối với cả đoàn là bữa cơm chay ở hậu liêu ngôi chùa cổ Bửu Lâm. Từ những nguyên liệu dân dã, các phật tử thiện nguyện đã chế biến nên những “sơn hào hải vị” không thể ngờ tới và rất ngon miệng. Các cô gái dân tộc H’mông như Hàn Thị Sua (Sơn La), Sùng Y Múa (Hòa Bình) đã vào tận bếp để học cách chế biến và đổ bánh xèo (rồi thử đổ bánh), hy vọng trong thực đơn nhà mình có thêm một món ăn độc đáo để đãi khách du lịch…
Những anh chị: Nguyễn Hữu Tuấn (dân tộc Tày, Hòa Bình), Tráng A Chu (H’mông, Sơn La), Hoàng Thị Loan, Hà Thị Thơ (dân tộc Thái, Nghĩa Lộ, Yên Bái), Vì Văn Hưởng (Tày, Mai Châu, Hòa Bình)…cả đời rảo bước trên những sườn non, hẻm núi hiểm trở – có lẽ họ không thể tưởng tượng có một ngày họ ngồi trên một chiếc xuồng ba lá lướt đi giữa những con rạch chằng chịt trong khu rừng nguyên sinh ngập mặn của căn cứ Xẻo Quít, hay ngồi trên tắc ráng vào Đồng Tháp Mười ngắm đàn chim về đậu ngay trên đầu mình trong Tràm chim Tam Nông.
Khi người viết hỏi điều gì đã đọng lại sâu sắc trong lòng những người con Tây Bắc trong chuyến “Xuân du Nam Bộ” này, thì hầu hết đã trả lời rằng, đó là chuyến đi thăm Làng Nam bộ thân thiện Phú Mỹ (huyện Thanh Bình). Quả thực, sau chuyến hải trình thăm “cánh đồng nổi” chuyên canh rau nhút trên sông, thuyền cặp vào Cồn Phú Mỹ: một miền quê thanh bình đậm chất Nam Bộ hiện ra trước mắt du khách. Cứ thong thả đi trên con đường nhỏ độc đạo, tráng nhựa chạy suốt hơn 2km theo chiều dài của cù lao, chúng ta sẽ chứng kiến những điều thật gũi gần, thân thiện nhưng…hầu như đã trở thành cổ tích – trong thời buổi hiện tại. Mọi hoạt động chính của ngôi làng đều diễn ra suốt dọc con đường có những vạt hoa dại đủ màu sắc, mọc lấm tấm hai bên vệ đường. Những vườn xoài, vườn ớt chen lẫn với các ngôi nhà gỗ, sơn xanh viền trắng, nền đắp cao để tránh lũ…Những cây chanh, cây mít trĩu quả cứ chìa ra ngay tầm tay người đi đường nhưng chẳng ai buồn hái (vì nhà ai cũng có)…
Cứ đi dăm mười bước là có một điểm buôn bán: chỉ là một nồi bắp luộc đang nghi ngút khói, một tấm nilon bày bán dăm bó rau ngót, vài trái ổi, trái xoài hoặc một vài hàng quán bán đủ loại chè, bánh…Không hề có cảnh chèo kéo, chỉ mời mọc với nụ cười thân thiện, đon đả hỏi thăm như người nhà lâu ngày mới gặp. Cứ khoảng 50m lại bắt gặp 2 giỏ cần xé đựng rác, phân chia “Rác hữu cơ” và “Rác vô cơ” đàng hoàng. Thỉnh thoảng lại có những băng ghế làm bằng tre dọc đường cho du khách nghỉ chân…Tìm đỏ mắt cũng không thấy quán nhậu, hoặc tiếng hát ong ỏng Karaoke vẫn thường thấy ở những nơi khác, thay vào đó là bất chợt bắt gặp bên đường một nhóm nam nữ đang thả hồn trong những làn điệu “Đờn ca tài tử” với tiếng đờn kìm, đờn cò… Hoặc những nhóm em bé chơi nhảy dây, đánh thẻ, trốn tìm… những trò chơi tưởng đã “thất truyền” từ khi những trò chơi Games điện tử tràn ngập VN. Giữa một chốn yên bình đến…kỳ lạ đó, càng kỳ lạ hơn khi có một nhóm người y phục sặc sỡ, nói rặt giọng miền Bắc bỗng sà vào ngồi nghe Đờn ca tài tử, rồi xung phong lên hát then, múa xòe trong tiếng đệm kèn lá, tiếng khèn của người bạn cùng đi…
Không chỉ ở Cồn Phú Mỹ mà còn ở Vườn quýt hồng Lai Vung, Làng hoa Sa Đéc, Nam Phương Linh Từ…nhóm người dân tộc Tây Bắc luôn là tâm điểm lôi kéo sự chú ý của người dân Nam bộ.
Họ còn là những “người mẫu không thù lao” của các tay máy trong đoàn, nhất là 2 người đẹp Hàn Thị Sua và Sùng Y Múa luôn được “chăm sóc đặc biệt”. Sùng Y Múa nói: “Con người Nam bộ sao mà hiếu khách một cách thật lòng, không hề có chút đãi bôi. Món ăn lại rất ngon, nhưng em không dám…ăn thịt chuột. Nhất định em sẽ trở lại !”.
Dưới đây là những hình ảnh thú vị về đoàn các dân tộc tây bắc tham quan học hỏi kinh nghiệm làm du lịch tại miền tây nam bộ:
Bài và ảnh: Hà Đình Nguyên