Theo các chuyên gia ở Bảo tàng tỉnh Yên Bái, chủ nhân của những hình khắc trên bãi đá cổ ở Mù Cang Chải là tộc người Mông khắc vào thế kỷ 16-17, cách nay khoảng 300-400 năm. Điều đặc biệt, dường như có mối liên hệ giữa người xưa và người hôm nay nên mặc dù các khối đá cổ đó nằm trên nương rẫy hay quanh các thôn bản nhưng người dân không phá phách hay làm biến dạng các hình khắc.
Bãi đá cổ nằm ở các xã Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Lao Chải, Dế Xu Phình… Qua cuộc thám sát đầu tiên của Bảo tàng tỉnh Yên Bái phát hiện ra bãi đá cổ ở các thôn Tàng Ghênh, Hú Trù Lìn, Hồng Nhì Pá, trong đó tập trung nhiều nhất ở thôn Tàng Ghênh thuộc xã Lao Chải, cách thị trấn Mù Cang Chải 13 km về phía Lai Châu bên kia dòng Nậm Kim.
Thống kê sơ bộ có khoảng 20 tảng đá mồ côi nằm rải rác trên các nương rẫy, ven đường và quanh các thôn bản. Các tảng đá có khối lượng từ 2-50 m3. Những tảng đá được người xưa chọn khắc là những tảng đá nằm ở vị trí thoáng, đứng trên các tảng đá có thể nhìn ra khắp bốn phương trời. Hình dạng các tảng đá: Hình tháp, hình trái núi, hình con rùa hoặc như một trang giấy mở ra trước thiên nhiên hùng vĩ.
Các hình khắc trên các tảng đá phần lớn là ruộng bậc thang, chim hạc, ngựa trời, bản đồ thiên văn, âm dương ngũ hành… cùng rất nhiều ký tự, có thể ngờ rằng đó là chữ viết cổ xưa.
Qua các hình khắc trên đá chúng ta có thể giải mã khát vọng của người xưa trên vùng đất giữa lưng trời nơi đây. Trước hết là ước mơ chinh phục thiên nhiên cho sự sinh tồn. Hệ thống ruộng bậc thang tạc vào vách núi leo qua các tầng mây chính là khát vọng chinh phục thiên nhiên.
Mù Cang Chải nằm ở phía tây tỉnh Yên Bái nắng gió tơi bời, với 6 tháng mùa khô đất đai, cây cỏ xơ xác lại thêm mùa đông giá lạnh nên không thể trồng bất cứ loại hoa màu nào. Sau nhiều năm phát nương làm rẫy đất đai nơi đây bị rửa trôi trở nên sa mạc hóa, bởi thế người ta phải mở ruộng bậc thang để đảm bảo cho sự sinh tồn. Trải qua rất nhiều thế hệ, hàng ngàn ha ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp leo lên tận trời cao, đã biến vùng đất khô khát Mù Cang Chải trở thành bức tranh đẹp mê hồn.
Ông Lý Kim Khoa, PGĐ Bảo tàng tỉnh Yên Bái cho biết: Bảo tàng tỉnh Yên Bái mới chỉ khảo sát, thám sát bước đầu, bởi bãi đá cổ Mù Cang Chải nằm rất rộng, chúng có mặt trên nương rẫy, trong rừng, quanh các tràn ruộng và những thôn bản.
Do kinh phí có hạn cũng như cần có nhiều thời gian tìm kiếm, thống kê, đánh giá, giải mã… nên rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước và tổ chức xã hội cũng như các nhà khoa học để bảo vệ những hình khắc quý giá trước khi chúng bị tàn phá.
Hình chim hạc, loài chim thuộc bộ cò, rất có thể nơi đây từng xuất hiện loài chim này, nơi chúng kiếm ăn ở trên các chân ruộng bậc thang hay ven dòng Nậm Kim. Loài chim gắn với ruộng đồng, đầm nước là khát vọng một vùng đất chan hòa nước, không phải chịu sự khô khát cháy nắng gió mỗi khi mùa khô tới?
Trong một phiến đá người ta thấy hình đầu chú ngựa ngẩng cao đang hướng lên trời cao. Ngựa là con vật gần gũi với người vùng cao, ngoài việc chuyên chở nông sản ngựa còn là phương tiện đi lại của người dân cách nay vài thập kỷ. Gia đình nào nhiều ngựa là thể hiện sự giàu có và đẳng cấp của mình. Ngựa là niềm khát khao của mỗi gia đình và mỗi người.
Trên một tảng đá nơi chóp đỉnh người ta nhìn thấy hình khắc nom như bản đồ thiên văn, hoặc có thể là hình âm dương ngũ hành. Dựa vào đây người xưa đoán biết mưa nắng, tính toán mùa vụ, đánh dấu các vì sao trên trời. Bởi trên chỏm tảng đá đó có rất nhiều chỗ lõm trong các hình khắc bao quanh.
Theo các chuyên gia ở Bảo tàng tỉnh Yên Bái, chủ nhân của những hình khắc trên bãi đá cổ ở Mù Cang Chải chính là tộc người Mông, họ khắc vào thế kỷ XVI-XVII, cách nay khoảng 300-400 năm.
Điều đặc biệt, dường như có mối liên hệ giữa người xưa và người hôm nay, nên mặc dù các khối đá cổ đó nằm trên nương rẫy hay quanh các thôn bản, nhưng người dân không phá phách hay làm biến dạng các hình khắc. Họ cho rằng những hình khắc là lời nhắn gửi thiêng liêng của cha ông tới thế hệ hôm nay và mai sau.
Thông điệp và khát vọng của người xưa qua các hình khắc trên bãi đá cổ, chúng ta chỉ phỏng đoán chứ chưa thể giải mã được.