Từ lâu Tú Lệ đã nổi tiếng bởi vùng đất của miền gái đẹp.Tắm khoáng nóng là một nét cảm, một nét nghĩ, và cũng là một nét văn hóa không thể tách rời đối với cuộc sống của đồng bào. Ở xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn (Yên Bái), có một suối khoáng nóng, điều độc đáo là ở đó có cả đàn ông và phụ nữ cùng tắm chung, họ luôn giữ thái độ lịch sự, coi việc tắm như một nét đẹp văn hóa hết sức thánh thiện, tẩy uế bụi trần.
Thung lũng của các tiên nữ
Từ lâu Tú Lệ đã nổi tiếng bởi vùng đất của miền gái đẹp. Do trời phú cho nơi đây có khí hậu lạnh, bốn mùa đều mát rượi nên các cô gái Thái ở đây, ai cũng có làn da trắng hồng, dáng người cao dong dỏng, khuôn mặt ưa nhìn. Vẻ đẹp ấy chính là sự hòa quyện giữa thiên nhiên, cùng những sắc màu văn hóa mà đồng bào ở đây lưu giữ.
Đến với thung lũng Tú Lệ, du khách rất dễ bắt gặp các cô gái người Thái bước đi trên đường. Thiếu nữ Thái Tây Bắc luôn cuốn hút du khách bởi trang phục và mái tóc đen suôn mềm mại. Và cái đẹp của con người cũng hình thành từ các giá trị văn hóa. Cái đẹp của người con gái Tú Lệ cũng đã đi vào những câu ca: “Nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò”, hay “Tú Lệ gạo trắng nước trong/Ai đi đến đó lòng không muốn về”. Người con gái ở đây ai cũng trắng trẻo, tựa như hạt lúa thơm, căng sữa.
Thung lũng Tú Lệ nằm trọn giữa ba ngọn núi là Khau Phạ, Khau Thán, Khau Song với diện tích là 172 ha. Trước kia thung lũng này chủ yếu trồng cây thuốc phiện. Vào mùa hoa Anh túc nở, thung lũng Tú Lệ mang một vẻ đẹp huyền bí. Sau này do chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện nên thung lũng Tú Lệ chuyển sang trồng lúa, trồng ngô, trồng đậu tương. Cũng từ đó, loài cây Anh túc chỉ còn đọng lại trong ký ức.
Ngày nay cánh đồng Tú Lệ đã trở thành một không gian văn hóa du lịch. Tất cả các mùa ở thung lũng Tú Lệ đều mang một vẻ đẹp riêng. Mùa làm đất thì long lanh sắc nước, be bờ đất nâu một màu trù phú. Mùa gieo mạ lúa xanh như tấm thảm, xanh từng mảnh rời rạc, tạo thành những điểm nhấn ấn tượng. Còn mùa lúa xanh, xanh ngát đến tận trời. Mùa lúa chín lại vàng ươm, dạt dào như sóng biển… Nhìn ngày mùa thật tươi tắn, căng tràn nhựa sống, một sắc màu bình yên của miền sơn cước.
Cứ đến chiều tối của mùa gặt, các cô gái Thái lại đeo gùi hối hả từ cánh đồng trở về, họ đi cùng nhau thành từng tốp ra suối nước nóng. Suối khoáng nóng là món quà vô giá của mẹ thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất này. Thật kỳ lạ bởi ngay tại suối nước nóng, một nét sinh hoạt văn hóa đặc biệt được hiện ra. Các cô gái người Thái hồn nhiên khoe thân mình cùng tắm táp, trò chuyện sôi nổi sau mỗi buổi làm việc vất vả.
Độc đáo tục “tắm tiên” ở Tú Lệ
Tục “tắm tiên” ở Tú Lệ không phân biệt là nam hay là nữ, ai cũng đều ngâm mình xuống dòng nước đang bốc hơi nghi ngút. Tại đây người ta cho xây một cái bể gạch, rộng 4 mét, dài 6 mét để làm bể tắm cho mọi người. Mực nước trong bể chỗ sâu nhất chỉ đến ngang lưng, dưới đáy bể có rất nhiều viên đá to nhỏ đủ các kích cỡ. Viên to dùng để ngồi tắm, viên nhỏ dùng để kỳ cọ. Bao giờ họ cũng có cách phân chia bên nam, bên nữ trong suối. Người nữ lúc nào cũng được chỗ nước trong sạch hơn và thường là đầu nguồn nước.
Theo các cụ cao niên ở trong xã, tục “tắm tiên” ở suối nước khoáng nóng này có từ khi nào không ai còn nhớ. Từ xưa, người Thái ở đây họ vẫn có thói quen tắm khoáng nóng để dung dưỡng sức khỏe. Theo bác Thạch, người ở xã Tú Lệ cho biết: Sau mỗi buổi chiều khi đi làm đồng về, lúc đó cơ thể mệt nhọc, nếu được tắm khoáng nóng thì sẽ cảm thấy cơ thể nhẹ nhõm và khỏe hơn, nhất là khi nằm ngủ về đêm.
Tắm suối khoáng nóng Tú Lệ, người ta tha hồ khoe thân, thả rông bộ ngực của mình mà không hề tỏ ra e thẹn. Với chúng tôi, “tắm tiên” chính là một nét không gian văn hóa đặc biệt mà đồng bào Thái ở đây lưu giữ. Tắm cũng là một nghệ thuật mà họ được mẹ, được chị dạy cho từ khi biết thẹn thùng. Chiếc váy đen vẫn mặc thường ngày, họ biến nó thành phòng tắm di động kín đáo (nghĩa là tắm đến đâu sẽ bỏ váy lên đến đó). Người dân ở đây họ tắm từ nhỏ cho đến khi về già. Thậm chí có bà bảy, tám mươi tuổi vẫn đi tắm. Bởi “tắm tiên” vừa là nơi dung dưỡng sức khỏe, vừa để hẹn hò gặp gỡ, để xua đi những muộn phiền, buồn vui.
Chị Ngọc, người thường xuyên tắm suối nước khoáng nóng ở xã Tú Lệ cho biết: “Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã được bố mẹ đưa đi tắm ở suối nước nóng rồi. Theo các cụ kể lại, suối nước nóng này là do một người đi bắt cá phát hiện. Ở đó không chỉ có suối nước nóng mà cạnh đó cũng có một suối nước lạnh. Trước đây người ta chỉ quây lại thành một cái mó tròn tròn nho nhỏ, sau này nhiều người biết đến mới xây rộng hơn. Tắm khoáng nóng dường như nó là một cái gì đó rất quan trọng đối với mỗi người, mỗi hộ gia đình. Mình đi tắm như thế không phải chuẩn bị gì cả, khi ngâm cơ thể có nhiệt độ vừa đủ trong nước tự nhiên sẽ cảm thấy rất thoải mái”.
Theo chị Ngọc, tắm vào mùa đông sẽ cảm thấy rất ấm áp, còn tắm vào mùa hè thì mát dịu. Trước đây do mạng xã hội chưa cập nhật, mọi người tắm rất thoải mái, sau khi có những đoạn clip trên mạng xã hội hay hình ảnh được tung lên nên mọi người phản ứng rất mạnh. Bây giờ để tránh những điều này, các cô thiếu nữ họ thường tắm muộn hơn. Chị Ngọc cũng mong muốn suối tắm này sẽ bảo tồn mãi mãi…
Đến xứ Thái lữ khách mới thấm được cái hồn của con người nơi đây, nhất là được hòa mình cùng không gian văn hóa tắm khoáng nóng. Tắm suối khoáng nóng đã trở thành một giá trị không thể tách rời trong không gian văn hóa dân tộc. Tâm hồn trong sáng trong tục “tắm tiên”, đã trở thành một nét văn hóa rất cần được lưu giữ.
Theo chúng tôi, “tắm tiên” là một nét văn hóa riêng biệt, độc đáo. Cứ tưởng rằng tục “tắm tiên” chỉ còn trong ký ức nhưng nó vẫn còn hiển hiện nơi các bản làng vùng cao. Ai cũng có một nét cảm, một nét nghĩ, nhưng tục “tắm tiên” sẽ mãi là một bức tranh muôn màu, tô đẹp cho kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Theo Minh Phượng (Pháp Luật Việt Nam)