Yên Bái không chỉ có những địa danh du lịch nổi tiếng mà còn có rất nhiều đặc sản. Tuy nhiên, có những món đặc sản đòi hỏi bạn phải thật dũng cảm mới có thể thưởng thức.Nếu quý khách không có tinh thần thép chắc sẽ chẳng bao giờ dám thưởng thức những món ăn dưới đây.
Tìm vào những bản vùng cao thuộc xã Phúc Sơn (Văn Chấn, Yên Bái), chúng tôi vừa gợi chuyện, người dân nơi đây đã vô cùng hào hứng chia sẻ về thú ăn côn trùng của họ. Già làng Lường Văn Tướng (bản Noong Phai), năm nay đã 87 tuổi, cười vang và nói: “Chưa biết ăn côn trùng thì chưa phải người Thái. ở bản này, ai cũng đi kiếm côn trùng và ăn côn trùng từ khi còn bé, nếu biết cách chế biến thì không loại cao lương mỹ vị nào có thể sánh bằng. ông cho biết thêm, từ dế mèn, ve sầu đến bọ xít, bọ hung, chuồn chuồn…, người dân ở đây đều biết cách chế biến và đều rất thích ăn. Và không phải ngẫu nhiên mà người dân vùng cao thường trồng cây cối um tùm xung quanh nhà, nhất là những cây như vải, nhãn, mướp, bồ kết. Đó là môi trường lý tưởng để những loài côn trùng đến hút nhựa, trú ẩn và trở thành món ăn hấp dẫn cho con người.
1. Ngóe ôm măng
Ngóe ôm măng là món ăn ngon và hiện nay đã được liệt vào hàng đặc sản khó tìm. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn và nghe cách chế biến, chưa chắc bạn đã dám nếm thử.Ngóe sau khi bắt từ đồng về được nuôi nhốt để thải sạch phân sau đó rửa sạch để loại bỏ chất nhớt trên da. Măng rừng rửa sạch, để nguyên óng ngâm với nước sạch khoảng 3-4 ngày để có vị chua thanh thanh. Bắc nồi măng lên bếp đun đến khi sủi tăm tăm thì cho ngóe vào.
Nước nóng sẽ khiến những con ngóe nhanh chóng tìm tới những óng măng và chui vào trú ngụ và chín nguyên con ở trong đó. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt của thịt ngóe và vị chua mát của măng hòa quện mang đến cảm giác thơm ngon lạ miệng. Đảm bảo nếu bạn đã ăn một lần thì sẽ không dừng lại được.
2. Dế chiên Nghĩa Lộ
Dế mèn là loại côn trùng giàu prôtít, ít chất béo, tuy nhiên, nhìn hình dáng bên ngoài không ít người phải rùng mình về độ “dị” của món ăn này.Những chú dế sau khi được bắt về sẽ được người làm bếp khéo léo cắt bỏ chân, rút ruột và bỏ túi hôi ở gáy. Sau đó, dế được rửa qua với nước măng chua hoặc nước sôi và ướp gia vị bao gồm: nước mắm, tiêu, hành, tỏi, bột ngọt.. Khi chiên chỉ cần cho một lượng dầu nhỏ bởi bản thân dế đã có rất nhiều dầu, khi chiên hạn chế đảo để tránh tình trạng làm gãy càng và thân dế.
Dế sau khi chiên có màu vàng ruộm đẹp mắt, mới thưởng thức sẽ thấy khá đáng sợ tuy nhiên càng thưởng thức sẽ cảm thấy nghiền vị giòn tan, dai dai bùi bùi của dế. Món này có thể ăn kèm cùng cóc xanh, xoài xanh, dưa chuột, chanh.. và để nhắm bia hay rượu thì quả là tuyệt cú mèo.
Con đuông: Đây là một loại ấu trùng của con bọ Xén-tóc (Oryctes nassicornis) sống trong thân cây Chà-là hoặc cây Dừa. Loại ấu trùng này có công dụng chữa các chứng suy thận, tăng cường khả năng tình dục cho nam giới. Ngoài ra, khi được nướng hoặc rán lên, con đuông tỏa mùi thơm đặc biệt, vị lại đậm đà.
Những con đuông béo ngậy là món ăn rất được yêu thích của một số đồng bào dân tộc ở Yên Bái. Khác với các món đuông dừa, đuông cọ hoặc đuông nứa ở Yên Bái thường được nướng, rán vàng hoặc nấu cùng măng chua.
Trái ngược với vẻ ngoài hơi kinh dị của nó, con đuông khi chế biến thành món ăn có vị ngọt mềm và béo. Ngoại trừ lớp vỏ mỏng dai dai, còn lại toàn bộ các bộ phận khác của con đuông rất mềm, tựa như một món ăn đã được hầm nhừ và béo ngậy. Tuy nhiên, con đuông có chứa một số chất gây dị ứng, vì vậy nếu là lần đầu thưởng thức món này, hãy ăn thử từ từ xem cơ địa mình có hợp với nó không nhé.
Pà mẳm gọi theo tiếng của đồng bào Thái có nghĩa là mắm cá. Món ăn này tuy không cầu kỳ nhưng yêu cầu phải đảm bảo theo từng bước để mắm ngon và không bị thối. Cá dùng để làm Pà mẳm nhất thiết phải là cá ruộng. Sau khi bắt ở ruộng về được thả trong bể từ 3 đến 4 ngày cho nhả hết bùn đất sau đó rửa sạch để ráo nước. Cá được xếp vào lọ với tỷ lệ cứ một lớp cá một lớp muối và đậy chặt lại tránh ruồi, muỗi.
Qua 10 ngày, chắt nước trong vại ra đun sôi để nguội rồi lại đổ vào vại cá. Công đoạn này được lặp lại 3 lần vào những ngày kế tiếp cho đến khi cá hết mùi tanh, có mùi thơm sau đó cho gia vị như: hạt sẻn, ớt tươi, xả, riềng… vào lọ. Bịt kín miệng lọ rồi đem chôn ít nhất 6 tháng là dùng được.
Pà mẳm khi mở ra phải có mùi thơm của thính nếp, gia vị và cá được ướp chín bằng rượu, muối và các gia vị cay nóng nên không còn mùi tanh. Cá phải đảm bảo còn nguyên con, thịt màu hồng tươi và dai như cá mực. Món ăn này có thể được nướng chín hay dùng sống tuỳ thuộc vào sở thích của gia đình.
Tuy nhiên, hiện nay những người làm được Pà mẳm ngon và đúng cách không còn nhiều, do vậy món ăn này dần dần đang bị lãng quên và khó tìm tại Yên Bái.
5. Châu chấu rang
Châu chấu là loài côn trùng gây ra tác hại không nhỏ đối với hoa màu, đặc biệt là lúa non. Vì vậy, món châu chấu rang vừa là món ăn đặc sản đồng thời góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ mùa màng cho bà con nông dân.
Chế biến châu chấu vô cùng đơn giản nhưng đòi hỏi sự kỳ công và tỉ mẩn. Trước hết, phải làm rụng cánh châu chấu bằng cách thả chúng vào nước sôi, sau đó rút bỏ đi phần đầu châu chấu, kéo theo ruột ra ngoài. Dùng kéo cắt phần càng cứng nhọn phía dưới của châu chấu. Cuối cùng là cho chút muối xóc đều rồi rửa sạch và để ráo nước.
Châu chấu rang có thể ăn nóng hay nguội đều ngon. Dùng làm món ăn chơi, hoặc ăn cùng cơm nóng, rau muống luộc chấm mắm cáy cũng rất tuyệt.
6.Bọ xít
Món bọ xít tưởng hôi hám nhưng theo người Thái ở Tây Bắc thì đây chính là một trong những món côn trùng ngon nhất. Bọ xít ngon phải là loại nhỏ bằng đốt ngón tay, sống trên cây vải, cây nhãn hoặc cây mướp. Đó chính là loài bọ xít hôi nhất nhưng lại béo, mẩy và ngon nhất. Bọ xít ban đầu được bắt về, thả vào chậu nước muối hoặc nước vôi để chúng nhả một phần chất hôi trong người ra. Sau đó, người ta vặt đầu, bóp ruột rồi chế biến theo sở thích.
Có nhiều món được chế biến từ bọ xít nhưng phổ biến nhất với người Thái Tây Bắc là xào với măng chua. Người Thái coi măng chua là thức ăn đặc trưng của dân tộc mình và có thể ăn quanh năm. Măng chua của người Thái được muối với mẻ và được dự trữ trong bất cứ gian bếp của gia đình nào. Ngoài xào với côn trùng, măng chua còn được người Thái chế biến cùng nhiều loại thịt động vật khác như thịt gà, thịt vịt, thịt lợn hay các loài ếch, nhái. Chỉ duy nhất thịt trâu là người ta kiêng nấu cùng măng chua vì chúng phá mùi của nhau.
Món bọ xít rang thơm phức cũng là một món ăn hấp dẫn nổi tiếng ở vùng cao. Bọ xít rang được chế biến không quá cầu kỳ nhưng người thưởng thức sẽ vô cùng ngạc nhiên về độ thơm ngon của con vật có tuyến mùi đặc trưng này. Bọ xít sau khi làm sạch được đem ướp với gia vị, mì chính , hạt tiêu cho ngấm rồi rang trên chảo gang, khi bọ xít khô lại, chế thêm chút nước măng chua, đảo đều cho đến khi cạn nước thì cho thêm nước mỡ lợn rán cho bọ xít dậy mùi thơm.
Khi ăn, những con bọ xít mình tròn mẩy, béo ngậy và có vị bùi vô cùng đặc trưng. Nhiều người e sợ mùi hôi của bọ xít nhưng thực tế thì qua quá trình chế biến, mùi hôi gặp hơi nóng sẽ bay đi hết nên không để lại chút dấu vết gì.
7. Bọ Hung – Méng Mu
Một loài côn trùng đặc biệt khác khi nhắc tới khiến không ít người phải rùng mình lại được người Thái đưa vào văn hóa ẩm thực của mình, đó là con bọ hung. Bọ hung được người dân miền núi phía Bắc, đặc biệt là người Thái, coi như món ăn bình thường hàng ngày bên cạnh thịt, cá. Không phải bọ hung nào cũng ăn được mà phải là loại sống ở phân trâu trên rừng, những loại khác thì không thể làm món ăn được.
Ngày ngày, những đứa trẻ dẫn trâu lên rừng thả và không bao giờ quên nhặt bọ hung ở những đống phân trâu còn mới. Đó chính là những con bọ hung ngon nhất. Nhiều bọ hung nhất là vào những ngày mưa. Vì thế, càng những ngày trời mưa, những đứa trẻ trâu lại càng đua nhau lên rừng vừa thả trâu vừa kiếm bọ hung.
Những con bọ hung nhỏ bằng đầu ngón tay được mang về nuôi trong thùng từ 1-2 ngày bằng cám gạo để chúng thải ra hết phân trâu trong ruột. Khi ấy, ruột bọ hung hoàn toàn sạch và người dân có thể chế biến thành nhiều món. Nếu muốn ăn ngay thì người ta phải bóp ruột đi mới dùng được.
Bọ hung cũng được chế biến tương tự bọ xít như xào măng hay rang lên nhắm rượu hoặc ăn cùng cơm. Bên cạnh đó, cũng có thể băm nhỏ bọ hung, trộn với hành và trứng rồi rán thơm lên. Là đặc sản của thiên nhiên nên bọ hung đã đi vào đời sống ẩm thực, đời sống văn hóa, tinh thần của người vùng cao từ không biết bao nhiêu đời. Già làng Lường Văn Tướng kể rằng: “Từ hồi tôi 5 tuổi, đi chăn trâu đã biết nhặt bọ hung về nướng ăn. Không biết tục ăn bọ hung có từ bao giờ, chắc là từ đời ông bà, tổ tiên người Thái khi mới đến ở đất này…”.