Về thăm miền tây ban trắng – Thăm căng đồn Nghĩa Lộ

0
Rate this post

Những ngày tháng 10/2013, cùng với nhân dân cả nước, người Nghĩa Lộ không khỏi lặng lòng đau xót trước sự ra đi vĩnh viễn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, cũng là người có ân tình sâu nặng với đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Cách đây 61 năm, trong chiến dịch Thu Đông 1952 (chiến dịch Tây Bắc), Đại tướng khi ấy giữ vai trò Tư lệnh của chiến dịch. Và chiến thắng Nghĩa Lộ (18/10/1952) – một chiến thắng đặc biệt quan trọng đã đập tan cánh cửa thép của địch ở chiến trường Tây Bắc, góp phần làm nên những thắng lợi lớn của chiến dịch, là nền tảng cho thắng lợi hoàn toàn của ta trên chiến trường Điện Biên Phủ, vĩnh viễn đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược.

cang-don-nghia-lo
Đến với thị xã miền Tây, ta lại không khỏi nghẹn ngào khi thắp nén tâm nhang trên Căng – Đồn Nghĩa Lộ, cùng nhau ôn lại những năm tháng hào hùng, oanh liệt và cả những mất mát, hy sinh khó nói hết bằng lời…để thấy yêu hơn mảnh đất, con người Nghĩa Lộ, thấm hơn khúc tráng ca còn vang mãi giữa miền ban trắng.

Căng Nghĩa Lộ (một nhà ngục giam giữ phạm nhân chính trị) được thực dân Pháp xây dựng từ những năm 1900 khi Nghĩa Lộ còn thuộc tổng Phù Nham – huyện văn Chấn, sau đó được mở rộng và nâng cấp thành nhà tù cấp Đông Dương. Năm 1945, chúng đã chuyển các chính trị phạm từ Căng Bá Vân (Thái Nguyên) về Căng Nghĩa Lộ. Trong cuộc sống mà chúng gọi là “an trí” của các chiến sĩ yêu nước, nhiều người bị tra tấn dã man, nhiều người bị đày đọa, bỏ đói, bệnh tật không được chữa trị. Một số chiến sĩ hy sinh đã bị chúng đưa ra vùi thây trong vườn ổi cạnh Căng. Nhưng trong lao tù, phong trào cách mạng vẫn không ngừng dâng cao. Tờ báo Đường nghĩa ra đời đã góp phần không nhỏ vào việc tuyên truyền, giáo dục và giác ngộ anh em binh lính khố xanh. Ảnh hưởng cách mạng ở Căng Nghĩa Lộ lan ra ngày càng mạnh mẽ và đã hình thành được cơ sở cách mạng ở Nghĩa Lộ cùng một số nơi khác trong huyện.

khu-tuong-niem-cang-va-don-nghia-lo
Chiều ngày 17/3/1945, sau vụ Nhật đảo chính Pháp (9/03/1945) đã diễn ra cuộc phá Căng vượt ngục của các tù nhân chính trị. Trong làn đạn của kẻ thù, 9 chiến sỹ đã hy sinh, một số bị thương, một số thoát được ra ngoài và được nhân dân che chở. Dù không tránh khỏi những hy sinh, tổn thất song vụ phá Căng đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần cách mạng trong nhân dân. Hài cốt của 9 chiến sỹ hy sinh trong cuộc phá Căng đã được nhân dân quy tập và an táng trọng thể.
Đến năm 1947, sau khi tái chiếm Nghĩa Lộ, thực dân Pháp đã cho xây dựng trên cơ sở Căng Nghĩa Lộ cũ một hệ thống đồn bốt kiên cố, là nơi án ngữ của Sở chỉ huy phân khu Nghĩa Lộ. Năm 1952, phân khu Nghĩa Lộ được Trung ương Đảng và Quân uỷ Trung ương chọn là nơi tiến hành đợt tiến công mở màn chiến dịch Tây Bắc. Cùng với các đơn vị bộ đội, nhân dân Nghĩa Lộ đã nổi dậy với tinh thần quyết chiến quyết thắng. Sở dĩ ta quyết định mở màn chiến dịch Tây Bắc bằng trận đánh ở phân khu Nghĩa Lộ vì đây là tấm bình phong bảo vệ sông Đà – cánh cửa thép của chiến trường Tây Bắc. Chừng nào địch còn chiếm đóng Nghĩa Lộ thì chiến khu Việt Bắc và vùng trung du Bắc Bộ còn bị uy hiếp.

khu-tuong-niem-cang-va-don-nghia-lo-2
Để tạo thế cho mũi tiến công chính của Đại đoàn 308 vào trung tâm Nghĩa Lộ, Trung đoàn 174 của Đại đoàn 316 đánh trước vị trí Ca Vịnh. Đêm 14/10/1952, các quân phía đông gồm các đơn vị của Đại đoàn 316, 312 nổ súng tiêu diệt một số cứ điểm vòng ngoài của phân khu Nghĩa Lộ là đồn Ca Vịnh và đồn Sài Lương. Địch vội vàng rút quân từ các đồn Thượng Bằng La, Ba Khe về cứu nguy cho Nghĩa Lộ.
Từ mờ sáng ngày 15/10, hai Tiểu đoàn của Trung đoàn Thủ đô đã lọt vào cánh đồng Mường Lò. Quân địch sau khi mất hai đồn ngoại vi là Ca Vịnh và Sài Lương thì trở nên hoang mang, lo lắng cho các đồn lẻ bên ngoài mà không hề biết Nghĩa Lộ đã bị ta bao vây. Ta đã thực hiện được kế hoạch thu hút sự đối phó của địch khiến chúng sai hướng, tạo điều kiện cho đại quân tiếp viện an toàn. Để tăng cường cho Nghĩa Lộ, ngày 16/10, địch cho thả một Tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn dù số 6 thuộc địa xuống Tú Lệ.

Kho-Mu
Theo kế hoạch tác chiến thì ngày chiều ngày 17/10 cuộc tấn công tiêu diệt đồn Pú Trạng sẽ bắt đầu. Tuy nhiên, 15 giờ cùng ngày một tình huống bất lợi đã xảy ra: một toán địch đi tuần tra đã phát hiện được quân ta bèn cho pháo và từng tốp máy bay đến tập trung bắn phá. Tại đây, 34 cán bộ, chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh. Trước tình thế ấy, chiến sĩ ta vẫn vững vàng chiến đấu. Dù yếu tố bất ngờ không còn nhưng ta vẫn quyết đánh và tin tưởng vào thắng lợi.
17 giờ 15 phút ngày 17/10, hỏa lực ta đồng loạt xả đạn vào các mục tiêu trong cứ điểm Pú Trạng. Sau hơn ba giờ chiến đấu ác liệt, cứ điểm Pú Trạng bị tiêu diệt.
Trong khi Trung đoàn 102 đang đánh Pú Trạng thì các tình huống bất ngờ liên tục xảy ra: đường dây thông tin liên lạc của ta bị đứt, Đại đội 209 của Tiểu đoàn 23 nghe nhầm lệnh “chuẩn bị sẵn sàng phát hỏa” thành “phát hỏa” liền cho đánh liên tục năm quả bộc phá…Trước tình thế đó, nhận định Nghĩa Lộ phố đã hoàn toàn bị cô lập, địch đang hoang mang, bộ đội ta thì đang hăng hái và sốt ruột chờ lệnh, Trung đoàn đã hạ lệnh nổ súng. Địch và ta giằng co nhau quyết liệt. Với tinh thần kiên quyết, sáng tạo và anh dũng trong chiến đấu, 5 giờ 30 phút sáng ngày 18/10/1952 trận Nghĩa Lộ phố kết thúc thắng lợi. Trên đà chiến thắng, ta tiếp tục tiêu diệt địch tại đồn Cửa Nhì và các đồn lẻ ở Nậm Mười, Gia Hội, Tú Lệ,…Ở tiểu khu Phù Yên, địch cũng bị quét sạch.
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, đợt tấn công tiêu diệt địch ở phân khu Nghĩa Lộ mở màn cho chiến dịch Tây Bắc của ta đã kết thúc thắng lợi. Ta liên tiếp hạ 3 cứ điểm chính của địch là đồn Pú Trạng, đồn Nghĩa Lộ và đồn Cửa Nhì, làm thiệt hại một lực lượng lớn quân địch và vô hiệu hóa Sở chỉ huy của chúng ở Nghĩa Lộ. Mục tiêu đập tan cách cửa thép của địch ở chiến trường Tây Bắc đã hoàn thành…
Chiến tranh qua đi, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, người Nghĩa Lộ lại hăng say xây dựng cuộc sống mới nhưng vẫn không quên những tháng ngày đã góp phần làm nên lịch sử vẻ vang của mảnh đất này. Ngày 27/9/1996, Căng – Đồn Nghĩa Lộ đã vinh dự được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia và đã được đầu tư, tôn tạo nhiều lần để công trình ngày càng hoàn thiện, xứng tầm với những giá trị lịch sử lớn lao. Ngày nay, trong khuân viên rộng 2,5 ha được bố trí thành 3 khu riêng biệt gồm: Khu tượng đài chiến thắng Nghĩa Lộ, Khu Nhà bia ghi danh 403 anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì quê hương, đất nước và Khu mộ cùng đài tưởng niệm 9 chiến sĩ đã hy sinh trong trận phá Căng vượt ngục năm xưa. Hàng năm, Khu di tích đón hàng ngàn lượt khách và nhân dân về thăm viếng, thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ. Nhiều người đã từng tham gia trận Nghĩa Lộ mùa thu năm 1952 khi trở lại chiến trường cũ đã không giấu nổi nỗi nghẹn ngào, xúc động và tin tưởng vào một thế hệ sẽ góp phần làm rạng danh mảnh đất mà ở đó bao người đã mãi mãi nằm xuống, bao xương máu đã chan hòa với đất, với nắng và gió Mường Lò.
Song song với việc tu bổ, tôn tạo, đón tiếp du khách và nhân dân tới thăm viếng, Khu di tích còn góp phần không nhỏ vào việc giáo dục truyền thống lịch sử địa phương cho thế hệ trẻ qua các hoạt động ngoại khóa hấp dẫn và bổ ích. Các trường học trên địa bàn cũng đã phối hợp với Ban Quản lý Khu di tich tổ chức cho học sinh thường xuyên tham gia chăm sóc các hạng mục công trình tại đây để các em thấy rõ sự đóng góp của mình trong việc giữ gìn truyền thống lịch sử quê hương.
Với người Nghĩa Lộ, Căng – Đồn không chỉ là nơi tưởng niệm, ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng Nghĩa Lộ, khẳng định ý nghĩa và tôn vinh giá trị của chiến thắng Nghĩa Lộ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, là không gian giáo dục lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân cho các thế hệ kế tiếp và là điểm du văn hóa quan trọng của Nghĩa Lộ – Mường Lò. Mà với nhân dân nơi đây, điều quan trọng hơn cả là khúc tráng ca của miền ban trắng đã góp phần bồi đắp nên tâm hồn và tình yêu quê hương đất nước trong tâm hồn họ. Khúc tráng ca ấy cũng sẽ mãi ngân vang trong lòng mỗi du khách khi họ một lần đặt chân lên đất Nghĩa, được nghe kể về những năm tháng đã qua, về những mùa hoa đã nở trên Căng – Đồn Nghĩa Lộ cùng những nốt nhạc trầm hùng trong bản “Cùng nhau đi hồng binh” của chiến sỹ – nhạc sỹ Đinh Nhu – người đã mãi mãi nằm lại với đồng đội trong ngôi mộ chung hình hoa ban 9 cánh.

Ý kiến tham luận

Welcome

Share.

About Author

Chuyên trang thông tin văn hóa, thể thao, thắng cảnh, ẩm thực Yên Bái.BTQ hi vọng đây sẽ là 1 sân chơi bổ ích dành cho các bạn, BQT mong muốn nhận được những chia sẻ về nơi mình sống, những nét đẹp văn hóa...Mọi đóng góp xin gửi đến mail: info@dulichsuoigiang.com, Xin chân thành cảm ơn!