(TNO) Mặc dù đá màu, đá cảnh được Nhà nước liệt vào loại cấm khai thác (muốn khai thác phải có giấy phép), nhưng tại khu vực Suối Giàng thuộc huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái), người dân vẫn liều mình lên núi đào đá, bất chấp pháp luật, bất chấp hiểm nguy đến tính mạng.
Một gốc cây lâu năm ở Giàng Cao bị bật gốc để lấy đá cảnh – Ảnh: Dương Trang
Rầm rộ khai thác đá cảnh
Suối Giàng nằm cách thị trấn Văn Chấn khoảng 10 km, vốn nổi tiếng là “kinh đô” của các loại đá vân xanh, vân đỏ… với nhiều hình dáng khác nhau, khiến dân chơi khắp miền mê mẩn.
Phu đá Giàng Bá Chư cho biết: “Mỗi tháng, may mắn lắm chúng tôi bán được 7 – 8 khối đá vân xanh, vân đỏ. Mỗi khối có giá từ 1,2 – 1,5 triệu đồng. Khối đá bé như nồi cơm chỉ bán được từ 50.000 – 300.000 đồng. Những ngày mưa dầm, đường trơn, chúng tôi ngồi nhà, lấy tiền bán đá đi mua thịt về uống rượu, trời nắng lại tiếp tục đi đào đá”.
Trong vai người tìm cây thuốc, chúng tôi đến mỏ đá Suối Lóp và Giàng Cao cách UBND xã Suối Giàng chừng 3 – 6 km. Tại mỏ Suối Lóp có hàng chục người dân đang ra sức ghì mũi khoan vào phiến đá. Họ chia nhau thành nhóm từ 2 – 3 người, một người cầm mũi khoan, hai người còn lại hỗ trợ như giữ đục…
Chừng 30 phút, mỗi nhóm khoan được một khối đá kích thước khoảng 60 x 40cm. Khoan xong, có khoảng 10 người đến khiêng lên xe máy chở đi. Còn mỏ Giàng Cao thì số lượng người khai thác ít hơn vì đây là mỏ đá mồ côi đã khai thác nhiều năm nên lượng đá đã giảm nhiều.
Khi chúng tôi xuất hiện, tiếng mũi khoan đang rào rào bỗng im bặt. Dân đào đá dừng tay đứng quan sát người lạ. Nhiều người trong số đó nghi ngờ dò hỏi “đi đâu?”, anh chàng dẫn đường vội đưa nửa bao tải lá cây hái ven đường lên ra hiệu đi tìm lá về làm thuốc. Lúc này, dân đào đá mới yên tâm “người lạ” không làm ảnh hưởng đến công việc của họ.
Những khối đá cảnh do phu đá khai thác được ở Suối Giàng – Ảnh: Nam Anh
Câu chuyện giữa chúng tôi và một nhóm phu đá trở nên cởi mở. Ông Giàng A Vàng, một người khai thác đá trái phép trú tại Văn Chấn, tiết lộ: Mỗi ngày, mỏ đá này có khoảng 40 – 60 người, chia thành nhiều nhóm khai thác đá. Mỗi nhóm có 1 máy khoan và 3 xe máy “độ” giảm xóc để chở đá khỏe hơn. Máy khoan có giá khoảng 15 triệu đồng, do mọi người góp tiền mua. Bán được đá sẽ gỡ vốn.
Những khối đá vân xanh, vân đỏ sau khi khai thác được tập kết tại một ngôi nhà ở Cây 5 (km 5 đoạn Suối Giàng – Văn Chấn) chờ thương lái lên mua. Trong trường hợp người có sức thì chở xuống tận chân núi thuộc khu vực thị trấn, bán trực tiếp cho các cơ sở chế tác đá, thu lời cao hơn. Thậm chí, có người còn đấu mối với các đầu nậu ở Hà Nội, Quảng Ninh… để tuồn đá về thành phố.
Mất mạng vì mưu sinh
Theo lời của ông Vàng Bá Chư (45 tuổi, quê quán huyện Văn Chấn), một phu đá tại mỏ Suối Lóp, từ khi các mỏ đá được phát hiện và khai thác cho đến nay, nhiều người đã bị gãy chân, tay, thương tật suốt đời, thậm chí mất mạng vì đào đá cảnh. Tuy nhiên, nhiều người vẫn liều mình đánh đổi sự an toàn tính mạng lấy miếng cơm manh áo qua ngày, thậm chí họ chống lại cả cơ quan chức năng.
Khai thác đá cảnh trên những vách núi đá cheo leo – Ảnh: Nam Anh
Ông Chư cho biết: Năm 2007, khi phong trào chơi đá cảnh ở thời “hoàng kim”, ông cùng bạn bè rủ nhau vào rừng đào đá ngọc, vân xanh, vân đỏ… Mỗi ngày, nhóm hơn 10 người của ông khoan được gần 15 phiến đá màu, đem ra khu vực Cây 5 bán.
Tuy nhiên, trong số 10 người cùng tham gia đào đá với ông thì có đến 4 người bị thương tật: gãy chân, tay; 1 người chết vì bị đá đè trong quá trình vận chuyển. Số còn lại không chết nhưng cũng dặt dẹo, nhức lưng, mỏi gối không làm được việc nặng.
Theo nhiều phu đá, sở dĩ khu vực này hay xảy ra tai nạn là do địa hình sườn núi dốc. Muốn lấy đá màu, người dân phải đào bới lớp đất mặt dày từ 5 cm cho đến 2 m để khoan. Một khối đá sau khi được tách ra sẽ lăn ào ào xuống chân núi cùng với hàng trăm mảnh đá nhỏ bay tung tóe khiến người xung quanh bị thương. Ngoài những trường hợp gãy chân, tay, gần như toàn bộ phu đá đều bị bệnh đau cột sống vì phải mang vác quá nặng.
Phu đá Vàng A Dê (38 tuổi, quê quán huyện Văn Chấn) cho biết: “Năm 2008, tôi có thể nâng được hòn đá cảnh nặng đến 70 kg. Vì vác nặng nên sống lưng bị đau buốt. Bây giờ vào mỏ đá tôi chỉ cầm được máy khoan, còn khiêng đá thì để cho những người sức khỏe tốt làm. Chỉ cầm máy khoan thôi nhưng nhiều hôm, sống lưng vẫn đau mà không có cách nào chữa trị”.
Nhóm của Dê có 13 người thì hơn nửa trong số đó mắc bệnh về cột sống, 3 người bị đá đè gãy tay chân, 1 người chết năm 2008 do đá đè. Biết là nguy hiểm, nhưng Dê cho biết vẫn phải cố làm thêm vài tháng nữa để kiếm tiền đong gạo và lấy tiền chữa bệnh.
Hà An – Dương Trang