Nằm ở trung tâm khu vực miền núi phía Bắc, tỉnh Yên Bái giống như “Nàng công chúa ngủ trong rừng” bất chợt thức dậy khi tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai hoàn thành.
Nút giao thông kim cương
Yên Bái đang trở thành vùng đất nhiệm màu có sức hấp dẫn rất lớn đối với các nhà đầu tư.Tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai chạy qua địa phận tỉnh Yên Bái 83 km với 4 nút giao: IC12, IC13, IC14 và IC15. Hiện đã hoàn thành 2 nút giao là IC12 và IC14, hai nút giao còn lại sẽ xây dựng vào giai đoạn II.
Trong 4 nút giao đó, nút IC12 được ví là “nút giao thông kim cương” kết nối với TP Yên Bái qua tuyến đường Tránh ngập. Đây là nút giao thông cuối cùng của giai đoạn I tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, khánh thành ngày 1/6/2015. Nút giao thông IC12 đưa vào sử dụng, kết nối tỉnh Yên Bái với Hà Nội và các thành phố lớn cũng như các tỉnh miền núi phía Bắc, giúp cho việc vận chuyển hàng hóa, đi lại của nhân dân ngày càng thuận tiện hơn.
Đường Tránh ngập kết nối TP Yên Bái với cao tốc Nội Bài – Lào Cai chiều dài 10,3km, mặt đường rộng 21m, có tổng mức đầu tư là 996 tỷ đồng. Đây là con đường đẹp nhất, hiện đại nhất tỉnh Yên Bái, khởi đầu của “con đường tơ lụa” kết nối Tây Bắc tới các tỉnh đồng bằng cũng như với nước láng giềng Trung Quốc. Đoạn đường từ Yên Bái về Hà Nội trước đây đi theo qua QL2 và QL32C có độ dài từ 165-170km, nay qua tuyến cao tốc rút xuống chỉ còn 125km, tuyến Yên Bái – Lào Cai cũng chỉ còn 140km. Do đoạn đường được rút ngắn như vậy nên thời gian từ TP Yên Bái về Nội Bài chỉ hơn một giờ xe chạy.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng với một câu nói rất hình ảnh: Thông qua tuyến đường cao tốc tỉnh Yên Bái đã có cảng hàng không… Nếu so sánh thời gian từ nội thành TP Hà Nội ra tới sân bay Nội Bài thì câu nói đó rất đúng. Nút giao IC12 là nút giao thông mở, qua TP Yên Bái có thể đi khắp các tỉnh miền núi phía Bắc. Từ lợi thế đó, tỉnh Yên Bái quy hoạch 200 ha để xây dựng quanh nút giao IC12 khu thương mại tổng hợp với hệ thống nhà hàng, khách sạn, nơi vui chơi giải trí không chỉ phục vụ người dân Yên Bái mà còn phục vụ hành khách tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai; Sân golf Ngôi Sao Yên Bái với 27 lỗ xây dựng cạnh đầm Hậu, diện tích 195ha; Khu nghỉ dưỡng, du lịch Vân Hội; Khu chế biến nông, lâm sản công nghệ cao phục vụ xuất khẩu……
Tiềm năng dồi dào và hiếm có
Tỉnh Yên Bái có diện tích 6.882km2, nằm dọc hai bờ sông Hồng, là vùng đất giao thoa giữa hai vùng khí hậu Đông Bắc và Tây Bắc, đã tạo ra nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau, một lợi thế để phát triển đa dạng sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của từng vùng mà không tỉnh miền núi nào có được….
Những sản phẩm nông nghiệp nổi bật của Yên Bái đó là: Chè hơn 13.000 ha, sản lượng chè búp tươi đạt từ 75.000-80.000 tấn/năm, chế biến 19.000-22.000 tấn chè đen, xanh xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới: Nga, Anh, I rắc, Hà Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan…; quế 40.000 ha, chất lượng quế Yên Bái được đánh giá là cao nhất nước, mỗi năm xuất bán khoảng 10.000 tấn vỏ quế, 300 tấn tinh dầu, gỗ quế ngoài làm ván ghép thanh, vỏ bao bì còn chế biến thành hàng gia dụng, mỹ nghệ với trên 45.000 m3/năm. Cây quế mang lại cho người dân Yên Bái gần 500 tỷ đồng/năm; cây ăn quả 8.500 ha, hơn 200.000 ha rừng nguyên liệu giấy…
Ngoài ra thiên nhiên phóng khoáng còn ban tặng cho Yên Bái nhiều sản vật quý giá: Nếp thơm Tú Lệ, cam sành Lục Yên, nhãn, quýt Văn Chấn, sơn tra Mù Cang Chải… Yên Bái có nhiều khoáng sản: Sắt, thạch anh, fenspats, chì, kẽm, đá vôi trắng… Đặc biệt quặng sắt từ chỉ Yên Bái mới có, với trữ lượng hàng trăm triệu tấn để phối trộn với quặng sắt không từ luyện ra những loại gang, thép chất lượng phục vụ công nghiệp chế tạo máy. Đây là loại quặng sắt cấm xuất khẩu, có giá cao hơn rất nhiều so với quặng sắt không từ. Đá vôi trắng Lục Yên từ lâu đã nổi tiếng do độ mịn và tỷ lệ trắng cao tới 93-95% được đánh giá là tốt nhất thế giới.
Nhiều doanh nghiệp trong nước và thế giới đã xin phép đầu tư khai thác, mỗi năm chế biến và xuất khẩu hàng ngàn mét khối. Ngoài ra Yên Bái còn có mỏ đá hoa Suối Giàng với trữ lượng hàng trăm ngàn mét khối, một tiềm năng to lớn chưa được đánh thức.
Làn sóng đầu tư mới
Tỉnh Yên Bái hiện có 5 khu công nghiệp, trong đó có 3 khu công nghiệp thuộc hệ thống các khu công nghiệp quốc gia, với tổng diện tích 794 ha. Trong 5 năm qua đã thu hút được 167 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 16.800 tỷ đồng và 99 triệu USD, nâng tổng số dự án lên 356 dự án với số vốn đăng ký đầu tư 36.700 tỷ đồng và 130 triệu USD. Năm 2015 khởi đầu cho làn sóng đầu tư mới là Cty Quốc tế Vina KNF xây dựng nhà máy may XK đặt tại cụm công nghiệp Cổ Phúc (Trấn Yên) với diện tích thuê đất 3,5ha, công suất 16 triệu sản phẩm/năm, tổng mức đầu tư 189 tỷ đồng. Cty dự kiến thu hút khoảng 2.000-3.500 lao động, hiện công ty đang tiến hành xây dựng nhà xưởng để năm 2016 bắt tay vào SX….
Thịnh Hưng (Yên Bình), diện tích thuê đất 3 ha, tổng mức đầu tư 105 tỷ đồng, giai đoạn I sử dụng từ 1.500-2.000 lao động, hiện đã đi vào hoạt động. Dự án đầu tư nhà máy may mặc XK của Cty Unico Global Yên Bái đã bắt đầu khởi động tại khu công nghiệp Âu Lâu (TP Yên Bái) có tổng mức đầu tư 252 tỷ đồng.
Ngày 15/10/2015 Chủ tịch tỉnh Yên Bái đã ban hành Quyết định chủ trương đầu tư cho Cty Nippon Zoki (Nhật Bản) triển khai dự án đầu tư chăn nuôi chế biến thỏ công nghệ cao. Theo dự án này Cty đầu tư 1.700 tỷ đồng xây dựng khu vực chăn nuôi và nhà máy chế biến thỏ tại xã Thượng Bằng La (Văn Chấn). Công suất của dự án, cung cấp 15.000 thỏ/ngày, trong đó cung cấp 5.000 thỏ cho nhà máy Công nghệ sinh học đặt tại Quế Võ, Bắc Ninh và gia công chế biến 10.000 thỏ XK sang các nước Châu Âu và các nước khác. Theo dự án này Cty Nippon Zoki đang độc quyền SX thuốc Neurotropin sử dụng phòng chống lão hóa và thần kinh cho người, nguyên liệu lấy từ não thỏ trắng Newzealand không bệnh tật. Các DN trong nước không bỏ lỡ cơ hội đầu tư và chậm chân hơn so với các nhà đầu tư nước ngoài, Cty may Chiến Thắng đã mở 2 nhà máy may XK tại TX Nghĩa Lộ và TP Yên Bái với tổng vốn đầu tư 82 tỷ đồng.
Cty CP Sân golf Ngôi Sao Yên Bái cũng đang tiến hành triển khai dự án sân golf 27 lỗ tại khu vực đầm Hậu, xã Minh Quân (Trấn Yên), với tổng mức đầu tư 683 tỷ đồng. Tập đoànVinGroup cũng đã để mắt tới Yên Bái, dự án đầu tiên tập đoàn dự kiến triển khai là xây dựng là Trung tâm Thương mại, vui chơi giải trí và nhà phố thương mại Shop-House, tổng mức đầu tư 685,3 tỷ đồng. Ngoài ra khu nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp du lịch tâm linh, dự kiến triển khai tại đầm Vân Hội (Trấn Yên) cũng đang được tiến hành khảo sát lập dự án, nhằm đánh thức một vùng đất đẹp mê hồn đầy tiềm năng du lịch đang ngủ quên trong rừng……
Với những tiềm năng và lợi thế của tỉnh Yên Bái trên cơ sở phát huy tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai liên kết giữa các vùng nhằm thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, tỉnh Yên Bái đang triển khai xây dựng 7 tuyến đường kết nối với các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu và Sơn La. Không phân biệt đối xử với các nhà đầu tư, tạo cơ chế thông thoáng trong việc cấp giấy phép đầu tư, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh…để nhà đầu tư triển khai nhanh nhất, hiệu quả nhất dự án đầu tư……
Nguồn: nongnghiepdotvn
*Báo đầu tư viết: Kích hoạt dòng vốn FDI vào các KCN tỉnh Yên Bái
Tận dụng lợi thế khoảng cách không xa so với các cửa ngõ kinh tế lớn của cả nước, Yên Bái đã quy hoạch các khu công nghiệp (KCN) bám sát tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, nhưng đến nay, tiềm năng này vẫn còn đang bị các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bỏ ngỏ.
Những tín hiệu lạc quan
Công ty TNHH Daeseung Global – một doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc hoạt động trong lĩnh vực may mặc xuất khẩu đã lựa chọn cụm công nghiệp Thịnh Hưng (Yên Bái) làm địa điểm đầu tư xây dựng nhà máy có công suất 1,5 triệu sản phẩm/năm. Đây chỉ là một trong số các doanh nghiệp FDI về dệt may đang tạo thành làn sóng đầu tư vào Việt Nam nhằm tận dụng lợi thế thương mại từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam cùng 11 quốc gia khác vừa kết thúc đàm phán và đang trong quá trình tiến tới ký kết.
Tuy nhiên, thay vì lựa chọn các tỉnh thành khác làm cứ điểm, Daeseung Global đã lựa chọn Yên Bái bởi theo ông Kim Sangho, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Daeseung Global, Công ty đã nhận được sự hỗ trợ rất tích cực và toàn diện của lãnh đạo UBND tỉnh và các ban, ngành, cũng như chính quyền địa phương cơ sở. Trong quá trình tuyển dụng lao động, công ty đã được hỗ trợ nhanh chóng tuyển dụng được lượng lao động theo nhu cầu.
Bên cạnh đó, “lực lượng lao động địa phương khá dồi dào, chịu khó, nhanh chóng tiếp thu và nắm bắt, làm chủ các máy móc, kỹ thuật tiên tiến. Với sự quan tâm, hỗ trợ đó, nhà đầu tư đã hoàn thiện các thủ tục về mặt pháp lý cũng như công tác tuyển dụng lao động”, ông Kim Sangho chia sẻ.
Cách Thủ đô Hà Nội 170 km về phía Tây Bắc, cách Cảng Hải Phòng 270 km và cách cửa khẩu Lào Cai 156 km, Yên Bái có vị trí thuận lợi về giao thông đường bộ, đường thuỷ, đường sắt và đặc biệt có vị trí quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Yên Bái – Hà Nội – Hải Phòng. Hầu hết các KCN Yên Bái được quy hoạch bám sát tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển trao đổi hàng hoá và phát triển kinh tế, đồng thời đáp ứng nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Xây dựng được niềm tin với nhà đầu tư và các doanh nghiệp, hiện đã có 21 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đã tìm đến Yên Bái, trong đó có 19 dự án nằm ngoài khu công nghiệp và 2 dự án nằm trong khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư đăng ký là 198,37 triệu USD, góp phần giải quyết việc làm cho trên 1.254 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng từ 3,7 – 4,2 triệu đồng/người/tháng.
Theo Báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài 10 tháng năm 2015 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái, Công ty TNHH Daeseung Global đã được chấp thuận điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư, trong đó tăng tổng mức vốn đầu tư dự án và vốn điều lệ của Công ty. Điều này có thể coi là cam kết gắn bó lâu dài của chủ đầu tư với tỉnh Yên Bái.
Cơ chế đã sẵn sàng
10 tháng năm 2015, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Yên Bái thực hiện đầu tư với tổng mức vốn đầu tư ước đạt 7,2 triệu USD, tương đương 152,19 tỷ đồng, tăng 157% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn đầu tư từ nước ngoài là 6,84 triệu USD. Tổng doanh thu của doanh nghiệp FDI 10 tháng năm 2015 ước đạt 25,76 triệu USD, tương đương 543,49 tỷ đồng, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2014. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 23,91 triệu USD.
Những số liệu khả quan trên có được không chỉ nhờ tận dụng những lợi thế sẵn có từ vị trí địa lý hay chính sách của Nhà nước, mà còn bởi những nỗ lực của tỉnh Yên Bái trong việc thu hút vốn FDI, đặc biệt là vào các khu công nghiệp.
Trong thời gian tới, Yên Bái tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo môi trường đầu tư cởi mở, thông thoáng, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm kiếm cơ hội thông qua việc thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính trong thẩm định, thẩm tra, cấp giấy chứng nhận đầu tư. Đồng thời, vận hành Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài để hỗ trợ việc xem xét hồ sơ của nhà đầu tư một cách nhanh chóng và hiệu quả, rút ngắn thời gian cho nhà đầu tư trong việc thực hiện chế độ báo cáo và kê khai các thông tin về dự án đầu tư của mình trước khi nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Với những bước đi chắc chắn, từ nay đến cuối năm, Yên Bái dự kiến sẽ tiếp nhận và cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư đăng ký khoảng 14 triệu USD, tương đương 294 tỷ đồng, góp phần hoàn thành vượt chỉ tiêu năm 2015 trong việc thu hút vốn FDI vào Yên Bái.
Kỳ Thành