Mù Cang Chải: Cuộc sống bình dị nơi vùng cao Chế Tạo

0
Rate this post

Chế Tạo được coi là xã xa nhất tỉnh Yên Bái, cách thành phố Yên Bái gần 250 km, nơi đây có 100% người Mông sinh sống. Do địa hình đèo dốc cách trở, cuộc sống của bà con còn nhiều vất vả, cái ăn, cái mặc phải lo từng bữa, trẻ em không được đến trường. Nhưng giờ, cuộc sống của bà con các dân tộc đã thật sự đổi thay.

cuoc-song-binh-di-noi-vung-cao-che-tao

Học sinh Trường THCS xã Chế Tạo (Mù Cang Chải, Yên Bái) chăm sóc rau xanh phục vụ bữa ăn hằng ngày.

Lúc khởi hành lên Chế Tạo, chúng tôi được một cán bộ có nhiều năm sống với đồng bào vùng cao này dặn kỹ: Chế Tạo có các đỉnh đèo dốc: Đèo Ách, Khau Phạ, Háng Giàng cao cả nghìn mét, đường đi khó khăn, nguy hiểm lắm, người nơi khác đến đều phải nản lòng. Có đi rồi có đến, đèo dốc đấy, nguy nan đấy, phải chuẩn bị cả lương khô, nhỡ mưa rừng tắc đường thì có cái ấm bụng.

Được Chương trình 135 của Chính phủ đầu tư, đường núi từ thị trấn Mù Cang Chải vào xã Chế Tạo như gần hơn, toàn tuyến được bê-tông hóa 27 km, đường êm thuận, cho dù có đoạn cả chục km không một nóc nhà dân. Qua những khúc cua gấp trảng thung lũng Háng Giàng cỡ 10 km, cuối cùng chúng tôi cũng lên đến Chế Tạo, một khu dân cư lọt thỏm giữa rừng núi nguyên sinh xa lắc, các bản cách nhau đến hàng chục km, lác đác những mái nhà lợp gỗ thông bạc thếch. Xin Chính phủ kéo điện lưới về bốn bản ở khu 2, đầu tư thêm sáu km đường bê-tông cho hoàn thiện toàn tuyến; đề nghị tỉnh bố trí việc cho số con em trong xã học xong cao đẳng chưa có việc; xin thêm giáo viên dạy đủ 32 lớp học trong xã… là những nguyện vọng thiết thực nhất của đồng bào nơi trời – đất như giáp nhau này.

cuoc-song-binh-di-noi-vung-cao-che-tao-12

Nhớ lại cách đây hơn 12 năm, đồng bào Mông bốn bản: Pú Vá, Tà Xung, Háng Tày và Kể Cả đã nhất quyết đòi xin về… tỉnh Sơn La, bởi ở Yên Bái bao năm vẫn cảnh bốn không (không trường, không đường, không trạm, không điện), sống như cách biệt thế giới hiện tại. Trước thực tại này, Tỉnh ủy Yên Bái cử đoàn công tác do Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Phùng Quốc Hiển (nay là Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- ngân sách của Quốc hội) đi bộ trọn một ngày, bị vắt xanh cắn, ruồi vàng đốt, bọ chó nhảy quanh thắt lưng, vượt núi cao đến với đồng bào. Tận mắt thấu hiểu sự khó khăn, những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, Đoàn về báo cáo trước cán bộ chủ chốt tỉnh. Yên Bái kịp có những quyết sách trúng, đúng, sát thực, nhằm giữ dân, giữ đất, ổn định tình hình vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi này.

cuoc-song-binh-di-noi-vung-cao-che-tao-12

Giờ thì khác xưa, hơn 340 hộ dân của xã biết trồng cấy lúa nước một vụ trên diện tích 158 ha, cũng tạm no cái bụng, nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao, 62%. Ba điểm trường với hơn 500 học sinh từ mẫu giáo đến THCS theo học, một số học lên theo các lớp bán trú dân nuôi ngoài huyện. Nhờ hiếu học, mà dòng họ Giàng trong xã có đến 17 người trình độ đại học, 12 cao đẳng, 15 trung cấp, được Trung ương Hội Khuyến học khen thưởng, tôn vinh là niềm tự hào của dân vùng cao.

Bước những bước chân đầy bùn xuống bản, gặp các cháu học sinh đang chăm sóc rau trong vườn trường THCS. Cô giáo người Tày “trụ” ở Chế Tạo đã bốn năm, Hoàng Thị Thanh Chỉ, quê xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái) trăn trở: Năm 1987 em học Trường cao đẳng Sư phạm tiểu học thuộc TP Phủ Lý (Hà Nam), năm 2010 ra trường về xã Chế Tạo giảng dạy và có biên chế. Đến giờ, thu nhập khoảng bảy triệu đồng, nhà thuê 600 nghìn đồng/tháng; muốn chuyển trường theo quy định của Chính phủ thấy khó khăn. Ấy cũng là nỗi niềm của rất nhiều cô giáo vùng cao Yên Bái, hiến cả tuổi trẻ cho sự nghiệp trồng người, nhưng để “hạ sơn” sau ba năm phục vụ vùng 135 theo quy định là chuyện dài và không dễ.

cuoc-song-binh-di-noi-vung-cao-che-tao-12

Chế tạo đa sắc màu mùa phong.

Lại chuyện đưa điện về bản, Công ty Điện lực Yên Bái đầu tư 13 tỷ 75 triệu đồng, chôn dựng cột, kéo dây, lập trạm biến áp, dự kiến cung cấp điện lưới Quốc gia cho 174 hộ dân. Nhưng đến nay mới có 94 hộ đăng ký mua điện, nhưng sản lượng điện tiêu thụ của các hộ chỉ từ 10 đến 15 kW/hộ/tháng. Như vậy, suất đầu tư đối với mỗi hộ là 79 triệu đồng, khả năng thu hồi vốn đầu tư rất thấp.

Chủ tịch UBND xã Sùng A Trống cho biết: Cái được nhất của bà con là bảo vệ rừng nguyên sinh khu bảo tồn hơn 20.000 ha, qua chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân mỗi năm được hơn bảy tỷ đồng. Đây là rừng đầu nguồn của các thủy điện: Bản Chát, Mường Kim, Hòa Bình, nên bà con hưởng lợi lớn. Thủy điện Chế Tạo đang được khảo sát, thi công với các bậc thang có tổng công suất 200 MW, mở ra một hướng mới cho vùng núi cao Chế Tạo. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Giàng A Chu, người trưởng thành từ vùng núi cao, hiểu rõ dân Mông hơn ai hết bảo: Cái gì vùng xuôi có, dân mình đòi phải có, là khó cho Chính phủ lắm. Việc cốt lõi của dân xã mình là giữ rừng thế nào để có thu nhập, bởi mất rừng thì mất nguồn nước, mất đồng cỏ chăn nuôi. Mất nguồn nước thì không có thủy điện, mất luôn tán che trồng thảo quả và táo mèo, những sản vật đang đem lại nguồn thu cho dân mình. Còn nghĩ xa, người Mông cần vươn lên, làm chủ các tiến bộ kỹ thuật trong nông lâm nghiệp để làm giàu, trước mắt đáp ứng nguồn nhân lực cho các dự án thủy điện tại xã.

cuoc-song-binh-di-noi-vung-cao-che-tao-12

Chế tạo 2 năm trở lại đây là địa điểm các trekker khám phá.

Gặp Giàng A Sầu, Phó Trưởng công an xã nắm thêm tình hình an ninh trong khu vực, nhất là việc chuẩn bị gọi thanh niên nhập ngũ, quản lý người nghiện hút thuốc phiện, quản lý nhân khẩu. Anh Sầu bảo: Nhà báo à, thấy xã mình đổi thay nhiều không, rừng tốt nhiều rồi đấy, bởi mấy năm nay thủy điện Sơn La tích nước nên độ ẩm cao, không lo cháy rừng mùa khô nữa. “Vậy cây thảo quả dưới tán rừng giờ ra sao?” – tôi hỏi. Ấy chà! tốt, tốt đấy. Cả xã mình trồng hơn 150 ha, mỗi năm bán được cỡ 500 tấn quả, có nhiều nhà bán thảo quả mua được xe máy.

cuoc-song-binh-di-noi-vung-cao-che-tao-12

Với rừng phong khá đẹp và còn nguyên sơ…

cuoc-song-binh-di-noi-vung-cao-che-tao-11

Vẫn biết Nhà nước mình chưa giàu, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho xã như thế này là ưu tiên lắm, người dân thực hiện tốt chính sách pháp luật, cán bộ gương mẫu, giữ rừng, giữ ổn định chính trị, để vùng cao không bị kẻ xấu lợi dụng. Đỉnh núi Chế Tạo sừng sững bao phủ đầy mây núi, nơi đây cộng đồng người Mông trong xã với các dòng họ Sùng, Giàng, Cứ, Vàng, Hờ… đoàn kết bên nhau, vững niềm tin theo Đảng.

Bài và ảnh: THANH SƠN – Trung Kiên – nhandan

Ý kiến tham luận

Welcome

Share.

About Author

Chuyên trang thông tin văn hóa, thể thao, thắng cảnh, ẩm thực Yên Bái.BTQ hi vọng đây sẽ là 1 sân chơi bổ ích dành cho các bạn, BQT mong muốn nhận được những chia sẻ về nơi mình sống, những nét đẹp văn hóa...Mọi đóng góp xin gửi đến mail: info@dulichsuoigiang.com, Xin chân thành cảm ơn!