Tiếp tục chương trình công tác, ngày 19 và 20/11, đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Phạm Duy Cường – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đã làm việc tại huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ để nghiên cứu, xây dựng phương án chia tách huyện Văn Chấn và điều chỉnh địa giới hành chính thị xã Nghĩa Lộ; dự kiến phương án điều chỉnh quy hoạch chung thị xã Nghĩa Lộ.
Đoàn công tác của tỉnh đã đi kiểm tra thực địa tại các xã Hạnh Sơn, Phúc Sơn, Sơn A, Phù Nham, Thạch Lương, Thanh Lương của huyện Văn Chấn; kiểm tra tuyến đường nối thị xã Nghĩa Lộ với tuyến đường Quốc lộ 32 (tuyến tránh thị xã Nghĩa Lộ); xác định tuyến đường nối thị xã Nghĩa Lộ và xã Phù Nham (huyện Văn Chấn) để nắm bắt tình hình thực tế và có các phương án điều chỉnh cho phù hợp.
Về phương án thu hồi chuyển mục đích sử dụng đất xây dựng 3 họng đấu nối tuyến đường nối thị xã Nghĩa Lộ với Quốc lộ 32, UBND thị xã Nghĩa Lộ xây dựng có 2 phương án: Phương án 1, tổng diện tích đất thu hồi dự kiến là 17,6ha. Trong đó, đất trồng lúa là 15,5ha, đất ở đô thị 0,6 ha, đất ở nông thôn 0,8 ha, đất trồng cây lâu năm 0,43 ha.
Phương án 2, tổng diện tích đất thu hồi dự kiến là 15,1ha. Trong đó, đất trồng lúa là 12,9 ha, đất ở đô thị 0,6 ha, đất ở nông thôn 0,8 ha, đất trồng cây lâu năm 0,43 ha.
Qua nghiên cứu, các đại biểu đều cho rằng, việc xây dựng tuyến đường tránh thị xã Nghĩa Lộ là cần thiết, góp phần giảm lưu lượng phương tiện đi vào trung tâm thị xã; việc lựa chọn phương án 1 hay 2 đều phải tập trung xây dựng phương án thu hồi sử dụng đất để làm đường, khu tái định cư, khu dân cư và đất khác; việc xây dựng các khu dân cư tại các điểm nút là cần thiết nhưng phải đảm bảo theo quy hoạch; việc xây dựng nhà ở của các hộ dân tại các điểm nút cần được thiết kế theo hướng đô thị; tại các khu vực khác, thiết kế các dạng nhà phù hợp với không gian của cánh đồng Mường Lò.
Để chia tách huyện Văn Chấn thành 2 huyện, UBND tỉnh Yên Bái đã xây dựng 3 phương án chia tách huyện Văn Chấn gồm: Phương án 1: Chia huyện Văn Chấn có tính đến điều chỉnh địa giới hành chính thị xã Nghĩa Lộ gồm 2 huyện mới là Văn Chấn và Tân Chấn. Huyện Văn Chấn có số đơn vị hành chính là 9 (gồm 8 xã và 1 thị trấn) gồm: Minh An, Nghĩa Tâm, Bình Thuận, Đại Lịch, Chấn Thịnh, Tân Thịnh, thị trấn Trần Phú, Thượng Bằng La, Cát Thịnh. Diện tích tự nhiên trên 53.429 ha với 154 thôn, bản, dân số: 56.892 người. Ưu điểm của phương án này: Toàn huyện nằm trọn trong vùng có cùng đặc điểm tự nhiên về đất đai, khí hậu, lịch sử văn hóa và truyền thống canh tác; đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh mang tính sản xuất hàng hóa (vùng chè, vùng cam, quýt), vùng trồng rừng nguyên liệu…, vùng tập trung dễ chỉ đạo và phát triển sản xuất theo hướng quy mô tập trung. Tuy nhiên, huyện có diện tích tự nhiên nhỏ, ít đơn vị hành chính, không đa dạng về tiểu vùng khí hậu dẫn tới không đa dạng về chủng loại sản phẩm nông lâm nghiệp, tiềm năng về dịch vụ du lịch thấp; địa điểm chọn làm trung tâm huyện lỵ không có khả năng phát triển mở rộng trong tương lai.
Huyện Tân Chấn có 15 đơn vị hành chính (2 thị trấn và 13 xã) gồm: Suối Bu, Đồng Khê, Sơn Thịnh, thị trấn nông trường Nghĩa Lộ, thị trấn nông trường Liên Sơn, Suối Quyền, An Lương, Nghĩa Sơn, Sơn Lương, Nậm Lành, Sùng Đô, Nậm Mười, Gia Hội, Tú Lệ, Nậm Búng. Diện tích tự nhiên trên 6. 286 ha, dân số: 55.042 người. Phương án này có ưu điểm diện tích tự nhiên đủ lớn để phát triển kinh tế toàn diện phù hợp với đặc điểm sinh thái của vùng, đa dạng sản phẩm nông lâm nghiệp… Nhược điểm là tỷ lệ hộ nghèo cao, phải đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cho một huyện mới…
Đối với việc điều chỉnh địa giới Nghĩa Lộ, sẽ chuyển một số xã của huyện Văn Chấn về thị xã Nghĩa Lộ gồm: Thanh Lương, Thạch Lương, Phù nham, Hạnh Sơn, Phúc Sơn, Sơn A. Thị xã nghĩa Lộ sau khi điều chỉnh địa giới sẽ có 13 đơn vị hành chính gồm 4 phường, 9 xã, diện tích tự nhiên là 9.067 ha, dân số là 60.200 người. Nếu thực hiện phương án này, thị xã Nghĩa Lộ sẽ có diện tích đủ rộng để phát triển toàn diện về nông nghiệp sản xuất hàng hóa, phát triển công nghiệp, có thêm các tiềm năng về phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng gắn với văn hóa truyền thống của cộng đồng người Thái, Mường của lòng chảo Mường Lò và dịch vụ tắm khoáng nóng chữa bệnh.
Tuy nhiên, khi sát nhập thêm các xã sẽ làm cho tỷ lệ các hộ nghèo tăng, tỷ lệ dân cư phi nông nghiệp thấp, nhu cầu nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng lớn…
Phương án 2: Chia huyện Văn Chấn, có tính đến điều chỉnh địa giới hành chính của thị xã Nghĩa Lộ và huyện Mù Cang Chải. Huyện Văn Chấn có số đơn vị hành chính là 13 đơn vị (02 thị trấn, 11 xã) gồm: Thị trấn nông trường Nghĩa Lộ, Sơn Thịnh, Đồng Khê, Suối Bu, Cát Thịnh, Thượng Bằng La, Minh An, Nghĩa Tâm, Chấn Thịnh, Đại Lịch, Bình Thuận, Tân Thịnh, thị trấn NT Trần Phú. Diện tích tự nhiên là 69.273 ha, dân số: 80.566 người.
Phương án này có ưu điểm là vùng có diện tích tự nhiên và dân số tương đương như các huyện khác trong tỉnh; có đủ các điều kiện tự nhiên, hạ tầng kỹ thuật để phát triển kinh tế – xã hội; không phải xây dựng cơ sở vất chất cho trung tâm huyện lỵ Nhược điểm là khó trong chỉ đạo từ huyện đến các xã do tập quán (đi ngược từ trong ra ngoài); không có tác dụng kích thích phát triển vùng của trung tâm huyện lỵ.
Huyện Tân Chấn có 13 đơn vị hành chính (1 thị trấn và 12 xã) gồm: Thị trấn Nông trường Liên Sơn, Suối Quyền, An Lương, Nghĩa Sơn, Sơn Lương, Nậm Lành, Sùng Đô, Nậm Mười, Gia Hội, Tú Lệ, Cao Phạ, Nậm Búng, Nậm Có (lấy 02 xã Nậm Có, Cao Phạ của huyện Mù Cang Chải); diện tích tự nhiên: 74. 285 ha; dân số là 43.720 người.
Phương án này có ưu điểm là diện tích tự nhiên đủ lớn để phát triển kinh tế toàn diện phù hợp với đặc điểm sinh thái của vùng, đa dạng sản phẩm nông lâm nghiệp… Nhược điểm là phải điều chỉnh địa giới hành chính nhiều huyện; phải đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cho một huyện mới…
Việc điều chỉnh địa giới Nghĩa Lộ sẽ chuyển 6 xã về thị xã Nghĩa Lộ gồm: Thanh Lương, Thạch Lương, Phù Nham, Hạnh Sơn, Phúc Sơn, Sơn A. Thị xã Nghĩa Lộ sau khi điều chỉnh địa giới sẽ có 14 đơn vị hành chính, diện tích tự nhiên trên 9.000 ha, dân số là 60.200 người.
Ưu điểm là diện tích đủ rộng để phát triển toàn diện về nông nghiệp sản xuất hàng hóa, phát triển công nghiệp, có thêm các tiềm năng về phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng gắn với văn hóa truyền thống của cộng đồng người Thái, Mường của lòng chảo Mường Lò và dịch vụ tắm khoáng nóng chữa bệnh. Khi sáp nhập thêm các xã sẽ làm cho tỷ lệ các hộ nghèo tăng, tỷ lệ dân cư phi nông nghiệp thấp, nhu cầu nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng lớn…
Huyện Mù Cang Chải sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, diện tích tự nhiên là 90.931,74 ha, dân số: 41.657 người.
Phương án 3: Chia huyện Văn Chấn có tính đến điều chỉnh địa giới hành chính thị xã Nghĩa Lộ. Phương án này có đặc điểm tự nhiên, xã hội gần giống như phương án 1, song có điều chỉnh sáp nhập thêm thị trấn Nông trường vào thị xã Nghĩa Lộ; nghiên cứu kỹ các vấn đề dân cư khi sát nhập các đơn vị hành chính vào thị xã Nghĩa Lộ.
Qua nghiên cứu các phương án trên, các đại biểu cơ bản đồng tình với các phương án đã đưa ra. Về việc đặt tên huyện, các đại biểu đề nghị nên giữ lại tên gọi huyện Văn Chấn còn huyện mới nên đặt tên gọi là Bắc Văn Chấn; Văn Bình; Nam Văn Chấn, Tân Chấn, Tân Văn, Văn Tân…
Đối với phương án 1, nhiều đại biểu cho rằng đây là phương án tốt vì khi chia tách các huyện có sự đồng dạng về khí hậu, tương đồng về văn hoá; thuận lợi cho công tác chỉ đạo trong sản xuất nông lâm nghiệp; trung tâm huyện mới nên đặt tại xã Cát Thịnh và Sơn Lương hay Tân Thịnh và Gia Hội.
Đối với phương án 2, không nên sáp nhập 2 xã của huyện Mù Cang Chải vào mà phải giữ nguyên địa giới. Việc điều chỉnh 6 đơn vị hành chính cấp xã vào thị xã Nghĩa Lộ là phù hợp, bởi thị xã Nghĩa Lộ sẽ nằm trọn trong cánh đồng Mường Lò. Đối với phương án 3, nhận được nhiều ý kiến đồng tình của các đại biểu, các ý kiến đề nghị nên sáp nhập thêm thị trấn Nông trường Liên Sơn vào thị xã Nghĩa Lộ để nâng cao tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; giữ nguyên trung tâm hành chính của huyện Văn Chấn tại xã Sơn Thịnh để sử dụng cho huyện mới sau này và cần nghiên cứu kỹ các quy định của Nhà nước khi thực hiện các phương án đưa ra.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND Phạm Duy Cường yêu cầu thị xã Nghĩa Lộ xây dựng các dự án tại các họng nối với tuyến đường tránh; bố trí dân cư tái định cư theo hướng đô thị vừa để bảo tồn các giá trị văn hoá dân tộc, phù hợp với không gian cánh đồng Mường Lò, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế. Giao cho Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định trình UBND tỉnh trước khi đấu giá thu hồi đất. Các khu tái định cư để đưa dân ra phải tính đến phương án phục hồi thu nhập; xây dựng phương án thu hồi đất làm đường trước với phương châm: “dễ làm trước, khó làm sau”.
Đối với việc thực hiện các phương án chia tách huyện Văn Chấn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao các ý kiến của đại biểu đưa ra; các ý kiến đều đồng thuận với việc tách huyện Văn Chấn thành 2 huyện, đưa 6 xã và thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ vào thị xã Nghĩa Lộ; tận dụng lại các đô thị đã có để phát triển. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh, đồng ý tách huyện Văn Chấn làm 2 để thuận lợi cho việc phát triển; đưa một số xã vào thị xã Nghĩa Lộ, giữ nguyên trạng các xã theo địa giới hành chính mốc 364 đã quy định.
Đối với tên gọi các huyện, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị một huyện giữ nguyên tên Văn Chấn, tên huyện mới sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến sau. Việc chia tách, sáp nhập phải thực hiện theo đúng các quy định của Nhà nước.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, các cơ quan thông tin đại chúng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương này để nhân dân biết, đặc biệt tại các xã sáp nhập vào thị xã Nghĩa Lộ; nghiên cứu lại các phương án cho phù hợp để trình UBND tỉnh xem xét. Trong đó, cần chú ý đến nghiên cứu về các điều kiện tự nhiên và xã hội; không tính đến phương án lấy hai xã của huyện Mù Cang Chải.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Cường và đoàn công tác của tỉnh đi kiểm tra thực địa tại các xã của huyện Văn Chấn.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị tổ giúp việc khi chỉnh sửa các phương án nên điều chỉnh 6 xã và thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ vào thị xã Nghĩa Lộ; có chỉnh sửa lấy từ xã Sơn Thịnh, Suối Giàng trở ra và đưa thêm các số liệu về tỷ lệ hộ nghèo, đất rừng, diện tích… Trước mắt, vẫn sử dụng trung tâm hành chính tại xã Sơn Thịnh cho huyện mới. Đối với huyện ngoài, cần nghiên cứu đặt trung tâm ở thị trấn Nông trường Trần Phú, xã Cát Thịnh, Tân Thịnh. Đối với huyện mới, nên nghiên cứu ở Gia Hội và Nậm Búng cho phù hợp với các điều kiện chung. Giao cho Sở Nội vụ tỉnh tổng hợp, điều chỉnh lại các phương án cho phù hợp; chủ trì việc lựa chọn lấy một phương án tối ưu nhất để việc tách huyện Văn Chấn được diễn ra thuận lợi nhất.
Mạnh Cường
Nguồn: Baoyenbai