Khăn Piêu – biểu tượng văn hóa người Thái Nghĩa Lộ

0
Rate this post

Khăn Piêu được phụ nữ Thái tự dệt bằng loại vải bông, nhuộm chàm, thêu các hoa văn với các loại chỉ màu ở hai đầu khăn. Để làm một chiếc khăn Piêu phải mất từ 2 đến 4 tuần thêu liên tục.
Những hình ảnh mới mẻ về thị xã miền tây Yên Bái
Mỗi dân tộc đều có nét đặc trưng riêng về văn hóa. Điều này thể hiện qua thói quen sinh hoạt, tín ngưỡng đặc biệt là qua trang phục… Với người Thái, nét đặc trưng, riêng biệt và độc đáo được thể hiện qua chiếc khăn Piêu truyền thống.

Chiếc khăn piêu của người Thái ra đời gắn liền với một truyền thuyết. Chuyện kể rằng: “Ngày xưa, có một mường toàn con gái được gọi là Mường Mẹ, đàn ông ở bất kỳ nơi nào dù vô tình hay cố ý lạc vào đều bị xua đuổi, thậm chí bị giết chết. Một hôm có một chàng trai lạc vào Mường Mẹ và được một cô gái xinh đẹp yêu thương và che chở. Hai người quyết tâm vượt qua mọi qui định ngặt nghèo từ bao đời để cùng nhau chung bếp lửa. Rồi chàng trai về thưa với Mường Bố, Mường Bố cho đây là duyên trời bèn cùng nhau sang thưa chuyện cùng Mường Mẹ. Mường Mẹ quyết giữ luật tục từ ngàn xưa để lại.Thuyết phục mãi không được Mường Bố dọa sẽ gọi cả mường sang phá Mường Mẹ. Mường Mẹ yếu thế  phải chấp nhận bỏ lệ cấm đàn ông và cho phép đôi trẻ xây dựng gia đình. Mường Mẹ cho các thiếu nữ xinh đẹp thêu chiếc khăn piêu rồi in dấu vân tay làm chứng – “cút piêu” và làm các tua vải mầu – “sài peng”, tượng trưng cho sự gắn kết thủy chung”. Từ đó chiếc khăn Piêu đã ra đời và trải qua những thăng trầm của lịch sử nó vẫn tồn tại và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào.

Khăn Piêu được phụ nữ Thái tự dệt bằng loại vải bông, nhuộm chàm, thêu các hoa văn với các loại chỉ màu ở hai đầu khăn. Để làm một chiếc khăn Piêu phải mất từ 2 đến 4 tuần thêu liên tục. Nhưng phụ nữ Thái chỉ thêu trong lúc nông nhàn, rảnh rỗi, cho nên thêu xong một chiếc khăn phải qua hàng tháng trời. Thêu khăn Piêu đòi hỏi sự chăm chỉ và khéo léo. Vì vậy, từ khi 6, 7 tuổi, người con gái Thái đã được mẹ truyền dạy cách thêu các hoa văn. Nếu như  với các cô gái Mường lấy cạp váy làm tiêu chí để đánh giá phẩm hạnh, sự chăm chỉ, tài năng, thì với người Thái đánh giá bằng chiếc khăn Piêu. Chàng trai dựa vào công việc trang trí, thêu thùa để lựa chọn, đánh giá người bạn gái.

Có thể nói khăn Piêu là sản phẩm đỉnh cao trong trình độ thêu thùa của người Thái. Khăn Piêu thể hiện sự khéo léo, khiếu thẩm mỹ của người con gái. Ngoài ra thể hiện cách nhìn nhận thế giới quan và nhân sinh quan của người Thái. Những họa tiết trên chiếc khăn Piêu là hình những con vật gần gũi trong cuộc sống, hiền lành như con hươu, con bướm, con chim, con voi, thậm trí còn là con hổ và hình mặt trăng và những cây cối như cây dương xỉ. Những hình này còn xuất hiện trên đường diềm khăn và trong họa tiết trang phục.
Những hình ảnh mới mẻ về thị xã miền tây Yên Bái
Với người Thái chiếc khăn Piêu không chỉ mang biểu tượng tinh thần, mà nó còn rất nhiều hữu ích trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Khăn Piêu che đầu khi nắng gió, làm ấm đầu khi mùa đông giá lạnh… Khăn Piêu còn là vật trang trí quan trọng của các cô gái Thái, nhất là trong lúc đi chơi hay dự lễ hội, đặc biệt khi tham gia vào các vòng múa xoè, trên vai các bà, các chị và các cô gái Thái không thể thiếu những chiếc khăn Piêu. Trong đời sống tình cảm của người Thái, chiếc khăn piêu chính là minh chứng đặc biệt cho tình yêu đôi lứa. Trong các lễ hội, khi cô gái tung còn, chàng trai nào bắt được phải đền cho cô một hoặc hai đôi vòng bạc. Còn khi chàng trai ném và cô gái không bắt được phải đem khăn piêu ra tặng. Chiếc khăn khi ấy trở thành cái cớ để họ yêu nhau. Nếu cô gái không yêu chàng trai thì có thể đem vật khác đến xin lại chiếc khăn của mình. Đến khi chuẩn bị lấy chồng, các cô gái phải tự tay làm khăn piêu như món quà không thể thiếu của cô dâu tặng cho gia đình nhà chồng. Và cứ như thế, chiếc khăn piêu gắn bó với người phụ nữ Thái từ khi còn nhỏ, trong các dịp lễ hội cho tới khi về nhà chồng. Kể cả khi trong nhà có tang khăn piêu cũng được dùng làm lễ vật mang theo người mất và con cháu cũng phải đội khăn piêu trong đám ma. Chiếc khăn piêu khi ấy như vật chỉ đường cho linh hồn người đã mất tìm được lối về mường trời, là thế giới bên kia.

Chiếc khăn Piêu,có thể đội theo nhiều kiểu khác nhau, với những đường thêu khéo léo làm tăng thêm vẻ đẹp của những cô gái Thái.

Ngày nay cuộc sống đổi thay nhiều, những nếp nhà sàn . Bộ trang phục truyền thống cũng được cải tiến cho phù hợp với công việc lao động sản xuất hàng ngày. Nhưng dù thay đổi như thế nào thì người phụ nữ Thái vẫn không thể thiếu được chiếc khăn Piêu đội đầu. Khăn Piêu là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời trở thành một sản phẩm văn hoá, là biểu tượng và vẻ đẹp được thể hiện bởi bàn tay khéo léo của người con gái Thái.

Nguồn: TT Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Yên Bái.

 

Ý kiến tham luận

Welcome

Share.

About Author

Chuyên trang thông tin văn hóa, thể thao, thắng cảnh, ẩm thực Yên Bái.BTQ hi vọng đây sẽ là 1 sân chơi bổ ích dành cho các bạn, BQT mong muốn nhận được những chia sẻ về nơi mình sống, những nét đẹp văn hóa...Mọi đóng góp xin gửi đến mail: info@dulichsuoigiang.com, Xin chân thành cảm ơn!