Mu Cang Chải: Độc đáo nghi lễ Zù Su

0
Rate this post

Mảnh đất “sóng vàng” Mù Cang Chải (Yên Bái) không chỉ được mọi người biết đến bởi những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, đẹp đến say đắm lòng người mà còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc tiềm ẩn trong các phong tục tập quán, tín ngưỡng của cư dân bản địa.

doc-dao-nghi-le-zu-su-mu-cang-chai-yen-bai

Mọi người trong dòng họ kết sợi chỉ lanh thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó dòng họ với nhau.

Một trong những nghi lễ độc đáo mang đậm giá trị nhân văn của mảnh đất này là lễ cúng họ Zù Su. Đây là tín ngưỡng văn hóa thể hiện truyền thống đoàn kết, tương trợ lẫn nhau giữa các gia đình trong cùng một dòng họ.

Theo truyền thuyết của người Mông, từ xa xưa có một vị thần ác (thần Su) hàng năm thường hay gây nên những điều không tốt lành trong cuộc sống lao động, sản xuất, sinh hoạt của người Mông, do đó, người Mông làm lễ Zù Su (lễ cúng họ) với mong muốn xóa bỏ những điều không tốt, những rủi ro cho cả dòng họ và cho từng thành viên trong dòng họ, đồng thời cầu may mắn, tốt lành cho một năm mới. Lễ Zù Su được tổ chức thường xuyên hàng năm, mỗi dòng họ sẽ tổ chức lễ cúng, ngày cúng và hình thức cúng họ theo quy ước của dòng họ mình.

Trong lễ cúng Zù Su, vải lanh là thứ không thể thiếu được bởi theo người Mông cây lanh chính là cây thiêng liêng trong tín ngưỡng và là tín hiệu văn hóa của dân tộc Mông. Người Mông cho rằng: “nhiều sợi lanh dệt nên vải. Chung bụng dễ làm ăn”, do đó, những sợi lanh còn thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng, gia đình, dòng họ như những tấm vải để cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Lễ cúng Zù Su chính thức, thầy cúng sẽ mặc trang phục truyền thống của dân tộc Mông và làm những thủ tục khấn cúng. Trước khi khấn, thầy cúng đốt 3 nén hương, đặt những tệp giấy bản, giấy màu ở những vị trí cột nóc, cửa ra vào, bếp, chuồng trại nhằm ngăn chặn những điều rủi ro, ma lạ, ma ác vào nhà làm hại cuộc sống của gia đình, dòng họ và gia súc, rồi thầy cúng khấn đại ý cầu xin thần linh phù hộ cho các gia đình trong dòng họ một năm mới mạnh khoẻ, làm ăn phát đạt, tránh được những rủi ro…

Mỗi khi thầy cúng đến hạn của ai, của gia đình nào thì thầy lại rung chuông, gõ chiêng xua đuổi ma tà đi đến rừng sâu, núi cao, ra sông, ra biển. Sau đó, thầy cúng đi thu những tệp giấy bản, giấy màu mà trước đó thầy đã đặt ở các cửa ra vào, bếp để vào ống đá, người trong họ mang chúng đi chôn ở đầm lầy hoặc rừng sâu, núi cao.

Người Mông tin rằng, nếu chôn càng xa thì sẽ có lợi cho cả dòng họ, năm mới mọi việc sẽ tốt lành. Tiếp đến ông trưởng họ sẽ dùng sợi chỉ lanh mà các gia đình trong dòng họ đến dự mang đến (đã được nối dài) cuốn vòng quanh những người tham dự trong dòng họ để chọn gia đình tổ chức cúng Zù Su vào năm sau. Khi cuốn hết, đoạn cuối sợi chỉ đến người nào thì gia đình đó sẽ được tổ chức cúng Zù Su vào năm tiếp theo. Việc cuốn sợi chỉ thể hiện tinh thần đoàn kết, cùng gắn bó dòng họ với nhau không thể tách rời.

Lễ cúng Zù Su còn có nghi lễ cuộn vải và bó ruột bông lau. Tất cả những mảnh vải, ruột bông lau của các thành viên trong dòng họ được bó lại thành một bó và được buộc ở trên cành cây dằng (cây dằng là cây rất kỵ với thần Su bởi cây có gai, lá cây dằng sắc sẽ đâm, cứa làm thần Su đau, thần sợ sẽ không đến làm hại con người). Sau khi kết thúc bài cúng, ông trưởng họ cầm dao chặt đứt bó ruột lau (chỉ chặt một lần). Bó lau chặt đứt tượng trưng cho trừ diệt thần Su, giải hạn cho dòng họ, chặt đứt những điều rủi ro, không may mắn của năm cũ để sang năm mới cả dòng họ sẽ gặp nhiều điều tốt lành hơn.

Cùng lúc đó, một người trong làng (người ngoài họ) đến dự lễ Zù Su sẽ giúp dòng họ lấy tên nỏ bắn tên bay lên trời. Đầu tên nỏ có buộc sợi chỉ đỏ tượng trưng cho máu người và máu động vật được bắn lên trời nhằm thể hiện sự dứt khoát đuổi hết tai họa, từ đây mọi việc sẽ thuận lợi. Chặt xong bó lau, ông trưởng họ để mũi đầu dao và đầu nỏ quay xuống đất cho mọi người trong dòng họ đi qua, điều này thể hiện nghi lễ đã thành công, thần Su đã bỏ đi, cuộc sống của dòng họ đã yên ổn.

Sau lễ cúng Zù Su là các trò chơi dân gian như đánh quay, đẩy gậy, bắn nỏ, ném pao… thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng, dòng họ. Khi kết thúc mọi nghi lễ, tất cả dòng họ quây quần vui vẻ bên mâm rượu, ôn lại truyền thống dòng họ, ông trưởng họ nhắc nhở con cháu luôn nhớ đến công ơn tổ tiên, ông bà và quy ước của dòng họ.

Zù Su – lễ cúng họ của người Mông nơi vùng cao Mù Cang Chải là một nét văn hóa truyền thống đặc sắc mang tính gắn kết cộng đồng, dòng họ, khuyên dạy con người nên sống thiện, sống có ích, tạo nên một cộng đồng tốt đẹp cần được lưu giữ, bảo tồn và phát huy.
Theo N.M.T

Ý kiến tham luận

Welcome

Share.

About Author

Chuyên trang thông tin văn hóa, thể thao, thắng cảnh, ẩm thực Yên Bái.BTQ hi vọng đây sẽ là 1 sân chơi bổ ích dành cho các bạn, BQT mong muốn nhận được những chia sẻ về nơi mình sống, những nét đẹp văn hóa...Mọi đóng góp xin gửi đến mail: info@dulichsuoigiang.com, Xin chân thành cảm ơn!