Được biết, chính quyền sở tại đang có dự kiến tổ chức sưu tầm biện chép hệ thống dân ca địa phương thành cuốn (tạm coi là kỷ yếu ngôn ngữ) tiếng Khơ Mú để lâu dài con cháu lưu giữ được gốc rễ, cội nguồn những sự tích, câu chuyện, sự việc, bằng hình thức dân ca, dân vũ, dân nhạc thông qua ngôn ngữ của tổ tiên, ông cha thuở xa xưa. Vẫn theo ông Sang, việc này giúp họ nhớ lại những từ có nguy cơ bị lãng quên, bị thất truyền, bị mai một do quá trình lớp trẻ giao lưu, hòa nhập với các dân tộc anh em khác.
Qua khảo cứu cho thấy, dân ca Khơ Mú có 3 nhóm: nhóm dân ca trong sinh hoạt đời thường (giao duyên, cưới xin)…; nhóm dân ca lễ nghi (ma chay, lễ hội, đình đám)…; nhóm dân ca tín ngưỡng (thờ cúng thần linh, núi rừng, sông suối, mưa gió…). Với tộc người Khơ Mú, dân ca, kể cả dân vũ, dân nhạc được xem là công cụ lưu giữ một trong những thành tố văn hóa dân gian trong đời sống văn hóa của họ. Dân ca là nơi chứa đựng kho tư liệu về nguồn gốc văn hóa, là công cụ liên kết cộng đồng.
Người Khơ Mú Nghĩa Sơn có những sinh hoạt âm nhạc truyền thống như hát giao duyên, hát đám cưới, đám ma (tất cả bằng tiếng mẹ đẻ). Nghe và hát nhiều lần như thế, lớp trẻ Khơ Mú đương nhiên được cung cấp, được trau dồi tiếng nói của dân tộc mình, giúp họ duy trì nhiều thông tin về quê quán, làng bản, văn hóa.
Đặc trưng của dân ca Khơ Mú một là ca từ làn điệu, hai là nghi thức hát, ba là mục đích sử dụng. Các bài hát giao duyên, cưới xin, cúng ma khác hẳn các dân tộc khác. Đặc biệt mỗi dòng họ lại có những bài dân ca riêng. Nói tiếng nói của dòng họ mình với những làn điệu không giống nhau.
Dưới bóng cây cổ thụ trong ngõ bản, xuất hiện nhóm các cô gái trẻ ngồi thêu khăn, đính cúc bạc vào vạt áo. Họ vừa làm vừa hát những làn điệu “Tơm” (giao duyên) bằng âm thanh trong trẻo, ríu ran như chim hót. Lại nữa, từ những ngôi nhà sàn, đoàn người xuống thang mang theo dụng cụ chọc lỗ tra hạt cùng những chiếc bem đựng ngô giống đi nương và họ cũng không quên mang theo những “pí tót”, những “tính tờ la”, những “tầm đao” là những dụng cụ đàn bằng tre nứa.
Một tiếng hát cất lên, đấy chính là những điệu trong hệ thống hát “Kưn chơ” (hát đi đường, hát lên nương). Tiếng hát náo động cả lòng thung. Sau cùng, mọi người cùng nhau múa ngay trên đám cỏ với những vũ điệu hồng hoang như “Tăng bu, tăng bảnh” (múa ống) “Tẹ cạ Grang” (múa cá lượn) “Tẹ mưng, pị hân mệ” (múa mừng xuân)…
Người Khơ Mú Nghĩa Sơn được xem là một tộc người còn giữ được khá nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian cổ truyền. Việc làm và dự kiến bảo tồn dân ca của xã cho thấy sẽ góp phần xây dựng nông thôn mới, góp phần tích cực giúp duy trì, lưu giữ ngôn ngữ, thế giới quan, nhân sinh quan, nghề và trí thức dân gian. Một việc làm như thế thật không còn gì tốt hơn. Hẳn đây sẽ giúp chúng ta có thêm những giải pháp hữu hiệu trong bảo tồn văn hóa dân gian nơi này đến những nơi khác làm theo.
Bùi Huy Mai