Người giữ hồn sáu điệu xòe cổ Mường Lò

0
Rate this post

“Mường Lò – Nghĩa Lộ – tên của vùng đất miền tây tỉnh Yên Bái từ thời Pháp thuộc nổi tiếng với cánh đồng lớn thứ hai ở vùng Tây Bắc. Nơi đây còn là cuộc sống cư ngụ đông đúc và lâu đời của dân tộc người Thái Mường Lò – hay gọi là Thái Đen với nhiều nét văn hóa độc đáo. Cũng như bao dân tộc khác, người Thái Mường Lò cũng có nhiều lễ hội dân gian, và nhiều làn điệu dân ca mang đậm nét dân tộc. Trong đó phải kể đến 36 điệu xòe một điệu dân vũ nổi tiếng của vùng Tây Bắc.

Nói đến điệu xòe là nhắc đến vẻ đẹp của phụ nữ Thái để cảm nhận được cái hay và vẻ đẹp của họ trong không gian múa xòe. Đó là phần nổi mà ai ai cũng đều thấy được. Nhưng để hiểu và biết rõ được về lịch sử và nguồn cội về vũ điệu nổi tiếng vùng Tây Bắc này thì không phải ai cũng biết.

Chẳng ai biết múa xòe của dân tộc Thái xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết rằng, từ bao đời nay, những giá trị văn hóa đặc trưng của điệu xòe vẫn luôn được những người con gái Thái từ các bà các mẹ các chị gìn giữ qua nhiều thế hệ. Vẻ đẹp điệu xòe qua những bàn tay thon mềm và duyên dáng, quyến rũ và gợi tả bởi những chiếc áo cóm truyền thống hay chiếc khăn thổ cẩm quàng trên ngực xoay đảo trong vòng xòe bên ánh lửa trại của các cô gái Thái. Bức tranh đầy sắc màu, một sự đại diện tầng văn hóa của vùng Tây Bắc.

Trong số 36 điệu xòe nổi tiếng của người Thái ngày nay được bắt nguồn chính từ 6 điệu xòe cổ đã trải qua hàng ngàn năm. Vì các điệu múa xòe này được sửa đổi và cải biên thêm phần để phù hợp với các làn điệu dân gian truyền thống khác hay trong cách nhìn thẩm mỹ về văn hóa ngày nay.

Ngôi nhà ông Lò Văn Biến, cũng như bao ngôi nhà sàn người Thái khác cũng mộc mạc và giản dị làm sao, bình dị như chính người chủ nhân của nó vậy. Là một nhà nghiên cứu sâu về văn hóa Thái và chữ viết vì thế điệu xòe cổ là điều tất yếu nằm trong sự quan tâm và nghiên cứu của ông. Nay tuổi đã ngoài 80 qua ngưỡng tuổi thất thập cổ lai hy, ông đã âm thầm tự nguyện dành hơn nửa cuộc đời mình để nghiên cứu, bảo tồn các điệu xòe cổ này.

Trong ngôi nhà của ông, điều đặc biệt khác so với các ngôi nhà trong bản là luôn luôn có tiếng khèn bè réo rắt trầm bổng và các bước nhảy trên sàn nhà của điệu xòe cổ trên đôi chân trần như vẫn còn sôi sục và nhiệt huyết ngày nào. Nhìn bước nhảy tiến lùi của người nghệ nhân già Lò Văn Biến, chúng ta như cảm thấy sự man mát thiệt thòi cho những ai yêu xòe Thái nhưng chưa được dịp chạm chân tới vùng đất này.

Ông Lò Văn Biến – Nhà nghiên cứu văn hóa & Xòe Thái

Bản Cang Nà – Phường Trung Tâm – Thị xã Nghĩa Lộ – Yên Bái

“Người Thái ngày xưa…, người ta chỉ có 6 điệu xòe là chính… thứ nhất là chúng ta nghĩ rằng là khi vui khách đến là phải có rượu là mời rượu. và cái thứ 2 nữa chị em phụ nữ chúng ta muốn làm gì thì làm phải biết làm vải để tự may mặc lấy cho mình và lấy cái khăn cho nên là cái xòe tung khăn. Và cái thứ 3 là cái điệu xòe đổn hôn tức là tượng trưng cho 4 phương trời, người ta nghĩ rằng là phải đờn kết lẫn nhau là phải 4 phương trời khó khăn rồi nọ kia phải giúp đỡ lẫn nhau … Còn thứ 4 trong cuộc sống trong cái làng mình thì có những lúc mình làm ăn được có những lúc anh kia làm ăn được cho nên là có tiến có lùi chứ ko phải là anh tiến thẳng được,… Còn thứ 5 là chúng ta xòe, ai cũng thế thôi phải nắm tay nhau, muốn làm gì thì làm phải đoàn kết nhất trí nắm tay nhau cùng giơ tay tức là cùng 1 lòng,… Còn thứ 6 sau khi tất cả những cái gì mình múa vui rồi hoàn thành cái sự việc của mình ấy thì chúng ta vui vẻ, vui vẻ phải có vỗ tay…”

Sáu điệu xòe cổ của người Thái đen mường Lò được các nghệ nhân coi là gốc là khởi nguồn của các điệu xòe khác, bởi nó thể hiện đầy đủ nghệ thuật dân vũ của người Thái. Trong 6 điệu xòe cổ được sắp xếp theo tuần tự ý nghĩa nhân văn và giáo dục trong đời sống của người Thái thể hiện qua các thái cực tình cảm của gia chủ với khách mời và trong không gian giao lưu văn hóa cộng đồng.

1. ĐIỆU “ KHẮM KHĂN MƠI LẨU ”

Đây là điệu xòe thể hiện nét văn hóa trong giao tiếp ứng xử của đồng bào dân tộc Thái. Theo quan niệm của người Thái thì bất cứ ai đến chơi nhà đều được đón tiếp hết sức chân tình. Với những động tác mềm mại uyển chuyển, chén rượu mời khách được người thiếu nữ Thái nâng trên đôi tay cùng với chiếc khăn xòe và câu mời rượu. Đây là điệu múa thể hiện lòng hiếu khách, mến người của gia chủ.

2. ĐIỆU “ PHÁ XÍ”

Điệu xòe “Phá xí”, nghĩa là xòe bốn phương với tốp múa bốn người. Điệu múa thể hiện sự đoàn kết của cộng đồng người Thái với niềm tin vững chắc dù có phải chia xa bốn phương trời, mười phương đất thì cũng luôn nghĩ về nhau, cùng nhau hướng về nguồn cội. Điệu xòe bốn phương này của người Thái nói về nỗi lòng của mỗi người đi xa khi nhớ đến tổ tiên, nhớ về quê hương yêu dấu.

3. ĐIỆU “ NHÔM KHĂN”

Tiếp theo là điệu Nhôm Khăn, một điệu xòe cổ thể hiện sự phấn khích hoan hỷ tưng bừng. Người con gái Thái với chiếc khăn Piêu thổ cẩm choàng trên cổ hai đầu khăn được nâng niu trên tay thể hiện được niềm vui chuyện mừng như có đám cưới, đám mừng nhà mới hay mừng mùa màng bội thu. Lịch sử điệu xòe này được ra đời cùng với sự phát triển của nghề trồng bông dệt vải góp phần tô điểm thêm về sự khéo léo của thiếu nữ dân tộc Thái khi dệt nên những chiếc khăn thổ cẩm cho mình.

4. ĐIỆU “ ĐỔN HÔN”

Điệu xòe ‘Đổn hôn” là điệu xòe cổ có những bước tiến lùi. Lúc người này tiến người kia lùi, nhưng vẫn nhịp nhàng trong một vòng tròn. Điệu múa này tượng trưng cho một niềm tin như muốn khẳng định, dù trời đất có đổi thay, cuộc sống có lúc gặp khó khăn trở ngại nhưng ý chí và tình người thì vẫn luôn sắt son bền chặt. Ý nghĩa nhân sinh như được chắp cánh thêm trong các bước tiến lùi uyển chuyển, nhẹ nhàng của các cô gái Thái.

5. ĐIỆU “KHẮM KHEN”

Tiếp theo là điệu xòe “Khắm khen” một điệu xòe cổ nắm tay cùng xòe. Đây là điệu xòe cơ bản trong nghệ thuật dân vũ của dân tộc Thái, điệu xòe này được hình thành trong quá trình lao động từ thuở sơ khai. Khi săn được con thú, mỗi khi có niềm vui trong gia đình làng bản là mọi người nắm tay nhau nhảy quanh đống lửa, có ý nghĩa biểu hiện sự đoàn kết cộng đồng, mỗi khi có niềm vui thì cùng nhau nhảy múa và khi gặp khó khăn hoạn nạn cũng vẫn nắm chặt tay nhau cùng chung sức vượt qua.

6. ĐIỆU “ỎM LỌM TỐP MƯ”

Và cuối cùng là điệu xòe “Ỏm lọm tốp mư” đây là điệu xòe cổ nối vòng tròn vỗ tay. Trong điệu xoè mọi người đi vòng tròn, chân bước tiến đều và vỗ tay theo nhịp phách. Đây là điệu xòe kết thúc mỗi cuộc vui trong không khí chia tay đầy lưu luyến, mọi người trao nhau những tình cảm chân thành và hò hẹn đến dịp khác. Điệu xòe biểu hiện niềm hân hoan và sự bịn rịn lúc chia tay.

Bên ánh lửa đêm đầy huyền ảo, hình ảnh những thiếu nữ Thái trẻ trung và sức sống căng tròn trong những chiếc áo cóm mềm mại căng tràn sức trẻ, thướt tha như bước ra từ trong câu truyện cổ. Trong vòng xòe, chị em phụ nữ Thái trẻ trung cùng với tiếng khèn của người nghệ nhân đại diện cho thế hệ đàn ông như được quện chặt thêm về một nguyên lý nhân sinh quan vũ trụ, về âm dương trời đất, về sự khăng khít trong tình cảm đôi lứa. Và đây cũng là minh chứng thêm về lịch sử sơ khai thuộc về cốt cách trong các điệu xòe cổ.

Người Thái Mường Lò vùng Tây Bắc đã góp phần gìn giữ về một điệu dân vũ độc đáo chứa đựng đầy đủ các giá trị nghệ thuật, giá trị nhận thức, giáo dục, giá trị thẩm mỹ. Trong đó sự góp mặt của sáu xòe cổ chính là linh hồn là cốt cách của người Thái chính là một trong những yếu tố tạo nên những giá trị lịch sử.

Bản Cang Nà trong những buổi chiều êm ả, là sự thư thái nông nhàn trong các ngõ xóm thôn làng. Đây đó ta vẫn luôn bắt gặp hình ảnh điệu xoè dưới ánh dương chiều vẫn luôn xoay đảo và vần vũ như không hề mệt mỏi trên gương mặt các cô gái vùng sơn cước Tây Bắc. Điệu xòe như càng bay lướt hơn trên những bước chân trần như càng tô đậm sức sống về niềm tin và tinh thần đoàn kết cộng đồng. Bức tranh múa xòe cùng hình ảnh ngôi nhà sàn Thái truyền thống như một lần nữa khẳng định và minh chứng thêm về văn hóa nguồn cội của các điệu xòe cổ Tây Bắc.

Ý kiến tham luận

Welcome

Share.

About Author

Chuyên trang thông tin văn hóa, thể thao, thắng cảnh, ẩm thực Yên Bái.BTQ hi vọng đây sẽ là 1 sân chơi bổ ích dành cho các bạn, BQT mong muốn nhận được những chia sẻ về nơi mình sống, những nét đẹp văn hóa...Mọi đóng góp xin gửi đến mail: info@dulichsuoigiang.com, Xin chân thành cảm ơn!