Tìm hiểu nghi thức “Hỏa táng” người Thái đen

0
Rate this post

Người Thái sống chủ yếu ở các tỉnh vùng Tây Bắc Việt Nam, với số dân đông thứ 3 trong số 54 dân tộc.Đến nay người Thái vẫn gìn giữ được nhiều phong tục, tập quán độc đáo mà trong đó phải kể đến tục hỏa táng trong việc tang lễ với quan niệm cái chết không phải sự kết thúc mà là tiếp tục một kiếp sống ở nơi khác được gọi là “mường trời”.Cũng như người Thái, mỗi dân tộc sống ở các tỉnh Tây Bắc đều có những phong tục riêng, độc đáo.

nghi-thuc-hoa-tang-nguoi-thai-muong-lo-1

Tại Nghĩa Lộ, Văn Chấn (Yên Bái) Người Thái đen vẫn giữ nghi thức hỏa táng khi người thân qua đời. Bốn khối củi được xếp vuông vắn tại khu nghĩa trang của bản mà người Thái gọi là “rừng ma”.Sau khi công đoạn hỏa thiêu hoàn tất, xương sẽ được rửa bằng rượu xếp vào một chiếc chum sành và chôn xuống một ngôi mộ đã đào sẵn trong “rừng ma”.

Tục hoả táng của đồng bào Thái đen đến nay vẫn được lưu truyền một số địa phương vùng Tây Bắc. Trước đây lễ hoả táng của đồng bào kéo dài 3 ngày, 2 đêm, mất nhiều thời gian công sức, tiền của. Ngày nay, thực hiện nếp sống văn hoá, đồng thời để tiết kiệm thời gian chi phí, bà con đã thực hiện hoả táng chọn trong một ngày. Tuy nhiên, đa số việc hoả táng của bà con ở các bản làng đều thực hiện thủ công, chưa có lò hoả táng nên ô nhiễm môi trường là không tránh khỏi. Thiết nghĩ, tại các vùng đồng bào Thái còn duy trì tục hoả táng của dân tộc, chính quyền địa phương cần có sự quan tâm hỗ trợ đầu tư lò hoả táng. Làm được điều này vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, vừa bảo vệ môi trường./.

nghi-thuc-hoa-tang-nguoi-thai-muong-lo-1

Những phụ nữ người Thái đen trong dòng họ mặc trang phục sặc sỡ trong lễ tang ông Quàng Văn Xôm ở xã Chiềng Hạc, Yên Châu Sơn La.

Hoả táng theo người Thái đen gọi là “Siêu”. Khi trong bản có người qua đời, việc hoả táng sẽ được bà con chuẩn bị theo nghi thức tang lễ của bản. Tại nghĩa địa nơi sẽ chôn cất người qua đời, người ta chuẩn bị đống củi chất cao quá đầu người, củi khô, củi tươi xếp chồng lên để khi đốt, lửa không tàn nhanh, cháy đều, cháy hết, linh hồn người quá cố mới siêu thoát.

Ông mo Quàng Văn Vinh, ở bản Phiêng Nghè, xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La, người thường xuyên làm công việc dẫn dắt linh hồn người qua đời về Mường trời, cho biết: “Tục hoả táng có từ lâu đời, ngày xưa lễ tang ma của đồng bào Thái hết 2, 3 ngày, do có nhiều con cái, người ta chờ nhau để làm lễ cúng bái cho người đã khuất. Hoả táng là do đồng bào Thái quan niệm người mất được tắm lửa mới được sạch sẽ, siêu thoát. Đồng bào quan niệm khi con người về với tổ tiên thì phải sạch sẽ nên mới hoả táng”.

nghi-thuc-hoa-tang-nguoi-thai-muong-lo-3

Thi hài được quấn bằng nhiều lớp vải thổ cẩm và được khiêng ra nơi hỏa táng. Trên đường đi, người trong dòng họ liên tục nằm ra đất với quan niệm tạo cây cầu để những người khiêng thi hài bước qua.

Khi người thân qua đời, con cháu sẽ tắm rửa, diện quần áo mới cho họ, gia đình nào khá thì cho thêm mấy đồng bạc trắng. Sau khi cúng tế, chọn được giờ tốt, bà con đưa quan tài ra nghĩa địa, con cháu xếp thành hàng nối đuôi nhau đưa người quá cố đến nơi hoả táng. Ông mo Quàng Văn Vinh nói tiếp: “Hoả táng được coi là tắm nước sạch, nếu không được hoả táng thì cho là không được tắm. “ Tắm lửa thành người sạch, gội rửa thành người mới”cho nên mới hoả táng”.

nghi-thuc-hoa-tang-nguoi-thai-muong-lo-2

Quan tài đưa thi hài cụ Đồng Thị Hon ở xã Phúc Sơn, Văn Chấn, Yên Bái ra “rừng ma” khá đơn giản, chỉ bằng những thanh tre, nứa.

Ông mo tế lễ xong, quan tài được con cháu đưa lên đống củi. Con rể được chọn làm người đưa đường dẫn lối người qua đời về mương trời sẽ châm lửa trước, sau đó đến con cháu. Mỗi người đi đưa tiễn bẻ lấy một nắm cây xanh làm quạt. Quạt chỉ được phẩy lên chứ không được phẩy xuống, ý là tắm cho người quá cố. Sau khi lửa cháy to, chị em phụ nữ được ra về trước, đàn ông, con cháu ở lại vun cho lửa cháy to, cháy đều.

nghi-thuc-hoa-tang-nguoi-thai-muong-lo-4

Phong tục xưa của người Thái quy định gỗ dùng hỏa táng phải là gỗ si hay gỗ cây đa nhưng nay dùng cả gỗ xoan.

“Từ lúc tiễn đưa người đã khuất về nơi an nghỉ rồi quay về thì đi theo một lối không đi theo lối tắt, nếu đi tắt hồn người đã khuất sẽ nhầm đường lạc lối, kể cả tiễn họ lên mường trời cũng vậy không nên ngắc ngứ, ngập ngừng”. Ông mo Vinh cho biết thêm.

Lửa tàn mọi người quay về nhà làm lễ chia của cải cho người qua đời. Trong lễ hoả táng không thể thiếu con trâu hoặc con bò. Ông mo cầm 1 sợi chỉ, 1 sợi tơ tằm, đàn ông cầm sợi tơ tằm, đàn bà cầm sợi chỉ sỏ từ mũi trâu kéo về hướng cầu thang rồi thả xuống gầm cầu thang. Ông mo tế gọi hồn người qua đời về nhận đủ lễ vật mà gia đình chia cho. Cúng tế xong, con trâu hoặc con bò được mang đi giết mổ làm thịt cho dân bản ăn. Còn thủ trâu sẽ được cắt treo ở nhà mồ.

nghi-thuc-hoa-tang-nguoi-thai-muong-lo-5

Khối gỗ được xếp 7 tầng với người nam, 9 tầng với người là nữ ứng với số vía theo quan niệm người Á Đông.

Mọi thủ tục được làm xong, ông mo cùng con cháu người đã khuất ra nghĩa địa nơi hoả táng nhặt xương cốt cho vào vại hoặc tiểu. Xương cốt được rửa bằng rượu trắng sau đó cho vào túi vải khâu lại, trong túi vải có luồn cuộn tơ tằm thòng lọng ra ngoài. Cúng tế xong hài cốt được chôn chặt, nhà mồ được dựng lên cùng các đồ vật, đồ lễ cho nhà mồ đầy đủ sắc màu. Đồng bào quam niệm sợi dây tơ tầm là sợi dây nối âm dương, để cho hồn người đã khuất bay ra, hồn thiêng thì về nhà phù hộ, độ trì cho con cháu.

nghi-thuc-hoa-tang-nguoi-thai-muong-lo-6

Sau khi hoat táng, rượu sẽ được đổ vào đống tro để dễ nhặt ra xương. Xương được cho vào bình, lọ gốm và chôn xuống ngôi mộ đã được chuẩn bị sẵn.

Minh Lê

 

Ý kiến tham luận

Welcome

Share.

About Author

Chuyên trang thông tin văn hóa, thể thao, thắng cảnh, ẩm thực Yên Bái.BTQ hi vọng đây sẽ là 1 sân chơi bổ ích dành cho các bạn, BQT mong muốn nhận được những chia sẻ về nơi mình sống, những nét đẹp văn hóa...Mọi đóng góp xin gửi đến mail: info@dulichsuoigiang.com, Xin chân thành cảm ơn!