Trạm Tấu: Hiệu quả từ mô hình câu lạc bộ dinh dưỡng vùng cao

0
Rate this post

Ở Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái), một trong những huyện miền núi nghèo nhất cả nước, hơn 500 bà mẹ người dân tộc Hmong và dân tộc Thái có con dưới 5 tuổi của 6 xã dự án của Tổ chức Tầm nhìn thế giới đã cùng nhau tham gia các câu lạc bộ dinh dưỡng để học cách chăm sóc con tốt hơn.

Các bà mẹ dân tộc Thái xã Hát Lìu cùng nhau học cách phòng bệnh và chế độ dinh dưỡng cho con. (Ảnh: MT/Vietnam+)

Các bà mẹ dân tộc Thái xã Hát Lìu cùng nhau học cách phòng bệnh và chế độ dinh dưỡng cho con. (Ảnh: MT/Vietnam+)

Các câu lạc bộ chỉ sinh hoạt hai lần mỗi tháng, mỗi lần khoảng hơn một giờ đồng hồ nhưng đã cung cấp các thông tin hữu ích và thiết thực trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng con cái cho các bà mẹ. Sau trò chơi khởi động, các thành viên cùng tìm hiểu các kiến thức cơ bản về chăm sóc con cái, chế độ dinh dưỡng hay các bệnh thường gặp như tiêu chảy, sốt xuất huyết… và cùng trình diễn bữa ăn mẫu. Các mẹ sẽ thay nhau chuẩn bị thực phẩm, tự tay nấu cháo cho con để các thành viên trong câu lạc bộ cùng tham khảo, học hỏi và đóng góp ý kiến về cách thức nấu, chế độ dinh dưỡng.

“Tôi đã biết cách nuôi con”

Giun sẽ chui vào bụng trẻ bằng cách nào? Điều này sẽ gây bệnh gì? Làm thế nào để phòng tránh giun? Một bữa ăn cho trẻ cần những chất gì? Nấu như thế nào? Đó là những chủ đề được các chị em thảo luận sôi nổi trong một buổi sinh hoạt tại thôn Hát 2, xã Hát Lìu, huyện Trạm Tấu.

“Người dân ở đây vốn không có nhiều kiến thức về ăn uống hợp vệ sinh, có những vấn đề đơn giản nhưng vẫn phải nói đi nói lại nhiều lần. Các chủ đề của từng buổi sinh hoạt vì thế phải thật cụ thể, chi tiết, gần gũi, có tranh ảnh minh hoạ sinh động,” ông Trịnh Văn Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu chia sẻ.

Cũng theo ông Nghĩa, người dân có tập tục trong hai tháng đầu sau khi sinh, người mẹ chỉ ăn cơm với muối. Họ cũng không có thói quen ăn nhiều loại rau, chỉ ăn rau cải mèo. Trong nhà có trứng, ngoài suối có cá nhưng cha mẹ không cho trẻ ăn vì sợ bị tanh.

“Chúng tôi cũng đã nỗ lực tuyên truyền, nhưng từ khi có mô hình câu lạc bộ dinh dưỡng, nhận thức của người dân trong chăm sóc trẻ đã tốt hơn rất nhiều. Câu lạc bộ do chính các chị em trong bản tự tổ chức, tự sinh hoạt. Phụ nữ nói với nhau dễ hơn, thực tế hơn, nên ‘vào’ hơn,” ông Nghĩa chia sẻ.

Chị Hoàng Thị Luôn (24 tuổi, ở thôn Hát 2, xã Hát Lìu) cho biết: “Trước đây, tôi chỉ cho con ăn cháo thịt, rau cải, nhưng tham gia câu lạc bộ, bây giờ đã biết thêm dầu ăn, thêm gia vị, nấu cháo cá, cháo lươn, tôm, bí để con có nhiều đạm và vitamin hơn.”

Chị Lò Thị Sơn, ở cùng thôn, cũng vui vẻ khoe con chị đã tăng cân sau khi chị nấu ăn theo phương pháp mới. “Trước đây, tôi chỉ nấu cháo cho con theo kinh nghiệm của ông bà dạy, chủ yếu chỉ có cháo thịt. Lươn bắt được cũng không dám cho con ăn. Nhưng từ ngày được biết kiến thức mới, tôi cho con ăn phong phú hơn, đủ rau, gia vị, dầu ăn. Cháo ngon hơn, con ăn nhiều hơn,” chị Sơn nói.

Các bà mẹ trẻ cùng chia sẻ thức về chăm sóc con. (Ảnh: MT/Vietnam+)

Các bà mẹ trẻ cùng chia sẻ thức về chăm sóc con. (Ảnh: MT/Vietnam+)

Giảm số trẻ suy dinh dưỡng

Ngoài truyền thông về dinh dưỡng, thực hành nấu cháo dinh dưỡng cho trẻ…, câu lạc bộ dinh dưỡng còn tổ chức mô hình trồng vườn rau và nuôi gà, vịt trong các gia đình. Cân nặng của từng trẻ được theo dõi chặt chẽ từng tháng.

Với những trẻ liên tục tăng cân hay giảm cân, ban chủ nhiệm câu lạc bộ sẽ tiến hành đi thăm hộ gia đình. Nếu trẻ giảm cân, ban chủ nhiệm sẽ tư vấn cho bà mẹ để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho trẻ, nếu trẻ tăng cân sẽ nêu gương tốt với các thành viên khác.

Theo chị Lò Thị Sen, Phó chủ tịch Hội phụ nữ xã Hát Lìu, trong số 30 trẻ bị suy dinh dưỡng có mẹ tham gia câu lạc bộ dinh dưỡng của xã, hiện có 18 trẻ đã tăng cân đạt chỉ tiêu, số trẻ suy dinh dưỡng chỉ còn 12 trẻ.

Tuy chỉ sinh hoạt hai buổi mỗi tháng nhưng để vận động được chị em tham gia không hề đơn giản do người dân bận bịu công việc nương rẫy, không có thời gian.

Bên cạnh đó, do cha mẹ đi làm rẫy xa vài ngày mới về, trẻ chủ yếu ở nhà với ông bà nên đối tượng vận động tham gia câu lạc bộ ngoài cha mẹ còn có cả ông bà, những người trực tiếp chăm sóc trẻ.

“Trong các buổi sinh hoạt ở địa phương, chúng tôi đều lồng ghép tuyên truyền về lợi ích của việc tham gia các câu lạc bộ. Chúng tôi còn đến từng nhà để vận động, nhưng rất khó khăn,” chị Sen cho biết.

“Ví dụ một gia đình ở Bản Lừu, có con suy dinh dưỡng nặng, đã 3 tuổi mà chỉ hơn 7 kg. Tôi đến tận nhà vận động. Người mẹ muốn đi, nhưng ông nội không đồng ý với lý do gia đình nhiều việc. Tôi phải giải thích, vận động nhiều lần, mang cả tranh ảnh đến minh hoạ để thuyết phục,” chị Sen kể.

Mô hình câu lạc bộ dinh dưỡng được tổ chức Tầm nhìn Thế giới (World vison) triển khai tại 6 xã của Trạm Tấu từ năm 2012.

Anh Nguyễn Hải Đăng, Trưởng Chương trình Phát triển vùng  của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Trạm Tấu cho biết, ban đầu, chỉ có 6 câu lạc bộ với số thành viên khiêm tốn. Sau 3 năm triển khai, hiện đã có 25 câu lạc bộ với 534 thành viên là các bà mẹ, người chăm sóc trẻ, số trẻ là 600 em từ 5 tuổi trở xuống.

Trên toàn quốc, tính đến năm 2014 đã có 755 câu lạc bộ dinh dưỡng được Tổ chức Tầm nhìn Thế giới triển khai, nhằm giúp phụ nữ nông thôn, miền núi học tập, chia sẻ kinh nghiệm và thực hành chăm sóc con nhỏ. Riêng trong năm 2014, tại những địa phương nơi câu lạc bộ dinh dưỡng hoạt động hiệu quả, thực hành dinh dưỡng của bà mẹ được cải thiện, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm 3%.

“Chúng tôi mong các bà mẹ nuôi con khoa học hơn, trẻ ăn ngon hơn, tăng cân tốt hơn. Mục tiêu của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới là đảm bảo an sinh cho trẻ, đặc biệt là trẻ em nghèo,” anh Đăng nói./.
Nguồn:vietnamplusdotvn

Ý kiến tham luận

Welcome

Share.

About Author

Chuyên trang thông tin văn hóa, thể thao, thắng cảnh, ẩm thực Yên Bái.BTQ hi vọng đây sẽ là 1 sân chơi bổ ích dành cho các bạn, BQT mong muốn nhận được những chia sẻ về nơi mình sống, những nét đẹp văn hóa...Mọi đóng góp xin gửi đến mail: info@dulichsuoigiang.com, Xin chân thành cảm ơn!