Xã Vân Hội (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) là vùng đất tâm linh với rất nhiều đình chùa, miếu mạo đã được vua Khải Định 3 lần sắc phong.Những ngôi đình ở Vân Hội giờ chỉ còn là dấu tích, nhưng ở đó những chuyện kỳ bí thì người dân kể mãi không hết.
Hội tụ linh khí đất trời
Vân Hội xưa có tên là Minh Phú, chỉ cách đền quốc mẫu Âu Cơ nằm ở xã Hiền Lương nửa giờ đi bộ. Mảnh đất tụ hội những con suối từ trên các dãy núi Bụt, núi Nả, núi Kìm và núi Hận chảy xuống. Theo nhà ngoại cảm, Vân Hội còn là vùng đất hội tụ linh khí của đất trời. Tôi theo ông Bùi Ngọc Kỳ và ông Đào Văn Hân, hai cán bộ xã Vân Hội, tới thăm những ngôi đình người xưa đã xây dựng. Đình Minh Phú nằm trên vườn đồi nhà cụ Trần Thị Nuôi năm nay đã 86 tuổi.
Cụ Nuôi kể rằng: Năm 1944 khi đó tôi mới 12 tuổi ở huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, bị một người chú họ lừa bán lên đây làm con nuôi, nơi này cây cối rậm rạp, người ta gọi là Gò Cấm, nhiều cây to bằng cả người ôm, không ai dám lên chặt bất cứ cây gì dù là que củi. Sau này hợp tác xã khai phá trồng ngô lúa, gia đình tôi được chia Gò Cấm canh tác tới tận bây giờ.. Đình Minh Phú nằm trên Gò Cấm lưng tựa vào dãy núi Kìm nhìn ra cánh đồng, theo các cụ cao niên đình Minh Phú xưa thuộc loại to nhất vùng, người dân còn gọi là Đình Cả, đây là trung tâm chính trị của cả vùng, nơi diễn ra các cuộc họp quyết định việc làng và việc tổng. Trên Gò Cấm có 5 mặt sân, hình như đó là nền nhà ngày xưa, gia đình cụ Nuôi khi cày xới nhặt được rất nhiều mảnh sành, chum vại và cả bát hương còn nguyên vẹn….
Đồi Gò Cấm, nơi dựng đình Minh Phú Trong nhà cụ còn mấy cái bát hương bằng sành cao thấp khác nhau, phía trái nhà còn hai cái nữa cụ đựng nước cho gà uống đã sứt mẻ. Cụ bảo: Người dân trong xóm nhiều người nhặt được những bát hương như thế này, cũng chẳng biết làm gì chỉ đựng nước cho gà thôi. Nói rồi cụ ra bờ ao cầm một cái bát hương vào: Hôm nọ vét ao, bọn chúng lại nhặt được cái bát này bên bờ ao rồi quăng lên bờ, trong lòng vẫn còn đầy đất……
Những bình hương cổ nhà bà Hoàng Thị Hòa nhặt được Chúng tôi lên Gò Cấm, thấy người lạ con gái cụ Nuôi là Hoàng Thị Hòa đang chăn trâu gần đó hăm hở dẫn chúng tôi lên. Gò Cấm cây cối mọc rậm rịt, sau nhiều năm canh tác đất củ đã trơ ra lổn nhổn đá. Trên chỏm gò, dây thòng bong quấn quýt vào nhau không thể nào bước qua, những cây cọ cao vút, dây leo mọc nhằng nhịt như thể lâu lắm rồi không ai chặt lá, nhiều tàu già gãy cụp xuống nom hoang tàn lắm. Ông Đào Văn Hân cúi xuống nhặt một mảnh bát rạn chân chim đưa cho tôi xem: Đây là mảnh bát thời xưa, chứ thời nay sao có loại bát này? Nhìn ra thấy rất nhiều mảnh sành, mảnh ngói, mảnh bát đĩa vương khắp nương nhà cụ Nuôi…
Gò Cấm, nơi phát lộ nhiều di tích khảo cổ thời vua Lê Trung Hưng Chị Hòa bảo: Ngày trước khi cày đất trồng sắn chúng em thấy vô khối bát đĩa và bát hương cái lành cái vỡ. Còn ở dưới búi tre kia người dân nhặt được rất nhiều bát hương. Chả hiểu tại sao ở đây bát hương lại nhiều như vậy. Các cụ gọi đây là Gò Cấm, vì ngày xưa chỗ này có một ngôi đình các bác ạ… Nói rồi chị dẫn tôi về nhà, lôi trong gầm hòm thóc 5 cái bát hương, rồi chỉ vào chân hòm thóc: Nhà em dùng để kê hòm thóc, hòm thóc nặng hơn một tấn nhưng các bát hương này có vỡ đâu.
Chuyện kỳ lạ
Từ ngày 16-21/9/2015, Bảo tàng tỉnh Yên Bái tổ chức khảo sát, thám sát khu vực xã Vân Hội đã phát hiện di tích 5 ngôi đình: Gò Cấm, Đồng Chão, Đồng Yếng, Vân Hội và đình Hạ cùng ngôi miếu thờ nằm ở thôn 8. Giám định sơ bộ thì những mảnh sành, bát hương tìm thấy trên Gò Cấm có niên đại thời Lê Trung Hưng cách nay 300-400 năm….
Sắc phong của vua Khải Định Lau cốt trầu trên khóe môi, cụ Nuôi bảo: Tôi sống ở đây mấy chục năm rồi, nhiều đêm mơ thấy người trên Gò Cấm đông lắm, họ đi lại nhộn nhịp mổ trâu, mổ bò ăn uống linh đình. Toàn những người ở đẩu ở đâu, quần thụng, áo the chẳng nhận ra. Một hôm có cậu bộ đội yêu con gái tôi đóng quân ở ngoài kia, đêm canh gác nhìn về phía nhà tôi thấy trên Gò Cấm rất nhiều đèn đuốc sáng trưng như người ta đang rước kiệu. Hôm sau mới hỏi con gái tôi đêm qua thôn xóm làm gì mà đốt đuốc sáng như vậy? Con bé ngạc nhiên bảo: Làm gì có chuyện đó… Đêm sau tôi mở cửa sổ nhà sàn nhìn lên Gò Cấm thì thấy rất nhiều đốm sáng như ma trơi to bằng nắm tay xanh lè từng đôi bay quanh, khi lên tới đỉnh gò thì phụt tắt. Thấy thế tôi sợ quá đóng cửa lại. Cứ hôm nào trở giời tôi lại thấy nhiều đốm sáng như thế. Con rể của tôi là Tống Gia Công có lần nhìn thấy một người cụt đầu người đen sì sì, đi vào bụi tre dưới chân Gò Cấm… Vân Hội có 5 ngôi đình, ngôi đình nào cũng đều có chuyện kỳ lạ, bà Nguyễn Thị Khanh người thôn Đồng Chão kể rằng: Cụ Hoàng Thị Phúc, dân ở đây gọi là cụ Mục, nếu còn sống năm nay hơn 100 tuổi, cụ bảo mảnh đất mà tôi trồng hoa màu là nền đình cũ, trước đây khi chuyển đình từ Đồng Yếng về làng Dọc, tới đây thì không khiêng được nữa, họ mới dựng đình trên mảnh đất này. Tôi trồng hoa màu trên nền đình, đêm về mơ gặp những mặc quần thụng áo dài đầu chít khăn mỏ quạ như thuở xưa, sau đó tôi như người bị ma làm cứ đi lại lung tung, gia đình phải làm lễ cầu cúng mới khỏi……
Vua Khải Định năm thứ 9, đã 3 lần sắc phong cho đình Minh Phú: Sắc cho xã Minh Phú, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái phụng sự đấng tôn thần đệ nhất Cao Sơn Đại Vương: Thần có công phù trợ nước, che chở cho dân, linh ứng đã tỏ rõ. Nay trẫm nhân dịp đại lễ mừng thọ tứ tuần, ban chiếu báu tuyên rõ ân sâu, làm lễ thăng bậc, phong cho là thượng đẳng thần Trác Vĩ Dực Bảo Trung Hưng, cho phép phụng thờ. Mong ngài che chở, phù hộ cho dân của trẫm. Vậy nay ban sắc.
Người dân kể rằng đình Gò Cấm đổ nát, một con voi đi qua thọc chiếc vòi vào bát hương đem đi xa gần một cây số thì bỏ lại, tại đó người dân dựng lên một ngôi đình, gọi là đình Vân Hội. Đình Đồng Hạ nằm ở nơi hợp thủy giữa ngòi Hạ và ngòi Lãng trước khi chảy vào ngòi Vần. Đình nằm trên quả đồi có diện tích 1,5 ha, hiện còn 3 cấp nền, đầm Vân Hội bao quanh ba mặt. Đây là đồi trồng cây bồ đề của gia đình ông Nguyễn Hữu Giáp. Người dân gọi là Gò Đình, do nằm ở thôn Hạ nên gọi là đình Đồng Hạ. Ông Giáp kể: Năm 1968 đập Vân Hội bị vỡ, tôi và thằng Nghị đi chăn trâu khi đó chừng 8-9 tuổi lội xuống hồ mò cua bắt cá nhặt được hai quả chuông đồng to bằng cái ấm ủ. Trên có chữ nho và hình con rồng tựa như con thạch sùng….
Hai thằng khiêng những chiếc thuyền nan của dân Hiền Lương đi kiếm củi lên đỉnh gò rồi dùng hai quả chuông múc nước đổ xuống đường trượt cho trơn, rồi trèo lên thuyền trượt xuống chân đồi làm thủng đáy mấy chiếc thuyền. Chơi được mấy hôm chúng tôi không chơi trò trượt máng nữa, vứt hai quả chuông đâu đó xuống hồ. Ngoài hai quả chuông to tôi còn nhặt được quả chuông bằng chiếc cốc này, bố tôi buộc vào cổ trâu. Đêm ấy chả hiểu sao con trâu cứ lồng lên, khiêng cả cái chuồng cột to như cột đình xa hơn 200m. Kể từ đó chị dâu cả và anh trai tôi là Nguyễn Hữu Dậu đều phát điên, phát rồ phải cầu cúng mới khỏi.
Ông Nguyễn Hữu Giáp kể những chiếc chuông đồng mà ông nhặt được Ông Dậu nghe người em nói lắc đầu bảo: Tôi cũng chẳng hiểu vì sao, người nóng sốt phát phiền như bị ma ám, đi lại lung tung, nói năng lảm nhảm, bảo rằng ở đất này có nhiều vàng bạc, nhưng chớ đụng vào, đó là của đình của chùa…
Ông Nguyễn Hữu Dậu (đeo kính) bàng hoàng kể lại những ngày mình bị ma ám Bố mẹ tôi nghĩ rằng do chú Giáp nhặt được mấy quả chuông của đình nên mới thành ra như thế, sợ quá, hai ông bà mời thầy về cúng, từ đó tôi khỏi bệnh…
Nguồn: nongnghiepdotvn