Văn Yên: Tìm hiểu lễ hội cơm mới ở đền Đông Cuông

0
Rate this post

Đã thành thông lệ, vào ngày Mão đầu tiên của tháng 9 âm lịch hàng năm, ngay sau khi thu hoạch lúa mùa, bà con dân tộc Tày Khao, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái bước vào “Lễ hội Cơm mới”. Một nghi lễ nông nghiệp truyền thống, cũng là nét văn hóa độc đáo của đồng bào Tày Khao.

Ruộng lúa cốm của bà con xã Đông Cuông

Ruộng lúa cốm của bà con xã Đông Cuông

Theo truyền thống của người Tày Khao, Lễ hội cơm mới là để tạ ơn các vị thần linh đã phù hộ một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đồng thời báo tổ tiên là đã kết thúc mùa cấy gặt bội thu trong năm.
Trong lễ hội Cơm mới, bên cạnh các sản vật của một năm cấy trồng, chăn nuôi, Cốm là lễ vật đặc biệt quan trọng không thể thiếu trong mâm lễ dâng đất trời, cúng các vị thần linh. Để có được những hạt cốm thơm dẻo dâng Mẫu, cúng đất trời, tổ tiên, người Tày Khao cấy loại lúa nếp bản địa đặc biệt mà bà con ở đây gọi là Khấu Cải. Khi hạt lúa bắt đầu chắc hạt sẽ được gặt về nướng chín trong lò than củi, sau đó đem giã, sàng sảy thành những hạt cốm dẻo thơm.

Chị Hà Thị Chi, thôn Khe Tràm gặt lúa về làm cốm

Chị Hà Thị Chi, thôn Khe Tràm gặt lúa về làm cốm.

Chị Hà Thị Chi ở thôn Khe Tràm, xã Đông Cuông nói về kinh nghiệm làm cốm của người dân nơi đây với du khách: “Nó còn xanh như thế này mình gặt về lúc rang lên làm cốm thì cốm mới xanh ngon và dẻo. Nếu mà mình để già quá thì lúc làm cốm sẽ bị vàng và không dẻo thơm nữa”.
Lễ hội Cơm mới diễn ra trong khuôn viên đền Đông Cuông, thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Đây là ngôi đền thờ Mẫu Đệ nhị Thượng Ngàn và các vị anh hùng người dân tộc thiểu số trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thời Trần. Trong Lễ hội còn diễn ra nghi thức hiến sinh, linh thiêng và độc đáo. Trâu đen được mổ thịt cúng khao quân.

Chọi trâu là một phần trong Lễ hội Cơm mới.

Chọi trâu là một phần trong Lễ hội Cơm mới.

Theo truyền thống, năm nào Lễ hội cơm mới cũng được tổ chức, nhưng sự háo hức của người dân trong vùng đối với Lễ hội cũng phụ thuộc vào thành quả lao động sản xuất trong năm. Ông Hà Văn Giấy, Thủ nhang đền Đông Cuông cho biết: “Năm nay, so với mọi năm thì rất thuận hòa gió mưa đều được mùa, được màng; được thóc, được mùa dâng cốm cũng hơn tí. Lễ hội thì nó cũng vui vẻ đông khách hơn”.

Đền Đông Cuông nơi diễn ra Lễ hội chính

Đền Đông Cuông nơi diễn ra Lễ hội chính

Tại Đền Đông Cuông một năm có hai hội chính. Nếu như lễ hội vào ngày Mão đầu tiên trong năm có ý nghĩa là cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà mạnh khỏe. Thì Lễ hội Cơm mới vào ngày Mão đầu tiên của tháng Chín âm lịch mang ý nghĩa tổng kết một năm lao động, sản xuất với đất trời, thần linh. Đồng thời là dịp để những người dân gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp và giáo dục con cháu duy trì, bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hoá truyền thống của người Tày Khao… Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: “Đây cũng là dịp để cho các thôn, bản tổ chức Hội thi khéo tay làm cốm, một nét văn hóa rất là đặc sắc của xã Đông Cuông. Đồng thời giúp cho người dân đẩy mạnh phát triển sản xuất”.
Lễ hội cơm mới năm nay được huyện Văn Yên tổ chức vào hai ngày 17 và 18/10/2015 (tức ngày 5 và 6/9 năm Ất Mùi). Bên cạnh các nghi thức dân gian truyền thống, Lễ hội Cơm mới đền Đông Cuông năm 2015 còn có các chương trình văn hóa, văn nghệ, hội thi làm cốm và hội chọi trâu…Dự kiến Lễ hội sẽ thu hút hàng nghìn du khách thập phương và bà con nhân dân trong vùng đến dự.
Nguồn: VOV THƯỜNG TRÚ TẠI TÂY BẮC

Ý kiến tham luận

Welcome

Share.

About Author

Chuyên trang thông tin văn hóa, thể thao, thắng cảnh, ẩm thực Yên Bái.BTQ hi vọng đây sẽ là 1 sân chơi bổ ích dành cho các bạn, BQT mong muốn nhận được những chia sẻ về nơi mình sống, những nét đẹp văn hóa...Mọi đóng góp xin gửi đến mail: info@dulichsuoigiang.com, Xin chân thành cảm ơn!