Yên Bái: Phát hiện lò nung cổ ở xã Phúc An, Yên Bình

0
Rate this post

Năm 2007, Bảo tàng tỉnh Yên Bái đã phát hiện ra được dấu tích lò nung cổ ở xã Phúc An Yên Bình qua các hiện vật đất nung trên bề mặt khu đồi. Đến đầu tháng 6 năm 2017, Bảo tàng tỉnh Yên Bái mới có điều kiện để khảo sát kỹ và đào thám sát. Đợt thám sát lần này Bảo tàng tỉnh phát hiện được một lò nung cổ và một số di vật quan trọng khác.

phat-hien-lo-nung-co-o-yen-binh
Lò nung nằm trên sườn một quả đồi, trên đỉnh là không gian bằng phẳng có diện tích khoảng hơn 100m2, xung quanh là nước và đồi bát úp bao bọc.

Sau khi Khảo sát bề mặt đã phát hiện được nhiều mảnh tháp, ngói vỡ và đồ gốm, sành đã khi tiến hành đào 3 hố thám sát. Hai hố thám sát được đào trên mặt bằng đỉnh đồi phát lộ nhiều ngói vỡ chủ yếu là ngói cánh sen. Hố thám sát thứ ba được mở dựa theo dấu tích một phần đất nung lộ trên mặt đất. Với cách thức đào lần theo dấu tích kiến trúc đã phát hiện ra một lò nung có mặt bằng tương đối hoàn chỉnh. Kích thước bên trong lò: Lò rộng 130 cm, dài 203 cm, trong đó: Cửa lò có chiều cao 63 cm, rộng 32 cm, lò quay về hướng Tây – Nam (thuận lợi chiều gió). Lò nung này được tạm gọi là lò nung Đồng Tanh. Lò nung này có một vài đặc điểm như sau:

Mặc dù chỉ còn là mặt bằng, phần vòm đã bị sập hoàn toàn, so sánh với một số lò đã phát hiện ở Việt Nam, có thể nói đây là một loại lò cóc. Là loại lò nhỏ, ngắn, nhìn tổng thể mặt bằng lò có hình gần vuông. Phần đầu hẹp giống hình mui thuyền, phần thân có dạng hình vuông. Lò được cấu tạo bởi 3 bộ phận: bầu đốt, thân lò và bộ phận thoát khói (cửa thoát khói).

Bộ phận bầu đốt: nằm sát cửa lò, thấp hơn nền lò khoảng 40 – 50 cm (thuộc loại bầu đốt chìm), rộng 40 x 40 cm. Phía trên tạo hai đường dẫn nhiệt thông lên trên nền thân lò.

Bộ phận thân lò: chỉ có một tầng, cấu tạo nền lò là 5 cầu lò để tạo ra các khe nhiệt (rãnh dẫn lửa), có độ dốc theo địa hình. Vách tường thân lò dày 30 – 40 cm.

Bộ phận thoát khói: dấu tích còn để lại là một khe nằm ở vách Tây sát với vách hậu có chiều rộng 20 cm, theo chúng tôi đây là cửa thoát khói (có tác dụng không để quẩn khói trong lò và quay ngược ra cửa lò) và cũng có tác dụng khác như tiếp ô xy, điều chỉnh sản phẩm ở phần cuối lò. Do phần vòm đã bị sập hoàn toàn nên không có cứ liệu để xác định có ống khói hay không.

Thành lò do quá trình tiếp lửa lâu nên sùi lên như xỉ (có thể được đắp bằng đất sét, bùn mịn và cát).

Các bằng chứng khoa học để thẩm định niên đại cho lò nung này là hết sức khó khăn. Thực tế, sau khi hoàn thành công tác đào thám sát lò nung này không tìm thấy nhiều di vật, sản phẩm nào nằm trong lò. Ngoại trừ một mảnh sành có niên đại thời Lê (khoảng thế kỷ XVII) ở độ sâu khoảng 30 cm. Về cấu trúc lò cũng có những đặc trưng tương ứng với các lò thời Lê ở nơi khác.

Qua thám sát và nghiên cứu, bước đầu có thể nhận định đây là lò nung đồ gốm và sành. Đây là loại lò nhỏ rất khó để nung các sản phẩm đất nung để xây dựng chùa tháp. Kết quả khảo sát trên bề mặt quanh địa điểm lò nung cũng cho thấy có rất nhiều sản phẩm gốm, sành còn lưu lại. Nhận định này cũng chỉ mang tính thực tiễn.

Việc phát hiện ra lò nung cùng một số di vật khác là rất quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử khu vực này. Lò nung nằm trong địa điểm có dấu tích của tháp, ngói cánh sen… có thể là một di tích chùa tháp tại đây và nằm trong một hệ thống các công trình tâm linh ở châu Thu (thời Trần) dọc sông Chảy với nhiều đình, đền, chùa, miếu đã được phát hiện và nghiên cứu như di tích Hắc Y, chùa Vắp, chùa Rẫy, chùa Làng Minh, chùa Trấu, chùa Đồng Do, chùa Văn Lãng… Tất cả tạo nên một hệ thống Phật giáo dày đặc, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ và lan tỏa của phật giáo ở vùng biên viễn – cương vực phía Bắc của quốc gia Đại Việt thời Trần.

CTV: Hoàng Tiến Long – Nguyễn Hòa

Ý kiến tham luận

Welcome

Share.

About Author

Chuyên trang thông tin văn hóa, thể thao, thắng cảnh, ẩm thực Yên Bái.BTQ hi vọng đây sẽ là 1 sân chơi bổ ích dành cho các bạn, BQT mong muốn nhận được những chia sẻ về nơi mình sống, những nét đẹp văn hóa...Mọi đóng góp xin gửi đến mail: info@dulichsuoigiang.com, Xin chân thành cảm ơn!