Để tới được tới những lớp học vùng cao thuộc vùng núi Hoàng Liên Sơn, chúng tôi chọn cách chạy xe máy vượt hơn 200km từ Hà Nội lên thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái rồi bám càng theo thầy cô giáo trẻ tên Hường, Doanh lên bản Tống.
Càng lên cao đường càng xấu. Dốc ngoằn ngoèo dựng đứng mà mặt đường thì lổn nhổn toàn sỏi đá với bùn nhão, khiến cho việc vừa bám theo xe thầy Doanh vừa chụp hình gần như bất khả thi. Mỗi lần bánh xe trượt… tim chúng tôi tưởng chừng như sắp nhảy khỏi lồng ngực.
Thầy Doanh là người Thái Bình, đã làm giáo viên vùng cao hơn chục năm nay. Thầy dạy tiểu học tại Bản Tống, cách Nghĩa Lộ “khoảng 1h đi xe máy” (theo cách tính của thầy).
Vừa trò chuyện với chúng tôi thầy vừa dỗ dành đứa con nhỏ. Nghe chúng tôi nói muốn được vào trường bản nơi thầy đang dạy học, thầy vui vẻ nhận lời và dặn chúng tôi chuẩn bị xích quấn vào lốp xe, đi ủng “chống lầy”…
Thế là sáng sớm tinh mơ hôm sau khi màn sương còn phủ trắng núi rừng, xe chúng tôi đã vun vút trên con đường lên cao bám đuổi xe thầy giáo Doanh (chở theo một đồng nghiệp đi nhờ là cô giáo Hương phụ trách lớp mầm non cũng ở bản Tống).
Cô Hương kể từng một lần suýt chết trên con đường này. Khi đó cô Hương cùng 1 đồng nghiệp nữ tự chạy xe máy, hơi non tay lái một chút khiến cả người và xe bị trượt xuống vực. May rơi trúng những bụi cây, sau đó được người qua đường giúp kéo lên. Thoát chết nhưng cô Hương bị ống bô xe máy đè lên làm bỏng chân phải nghỉ dạy một thời gian dài.
Chuyến lên bản gian nan khiến chúng tôi càng thêm cảm phục nghị lực của các thầy cô cắm bản hết lòng dạy từng con chữ, từng phép toán cho con em đồng bào dân tộc.
Vùng núi hẻo lánh Hoàng Liên Sơn phát triển được như ngày hôm nay chắc chắn có phần đóng góp không nhỏ của đội ngũ giáo viên – những người lái đò thầm lặng nuôi con chữ cho các thế hệ tương lai.
Bài và Ảnh: Duy Khánh-dantri