Yên Bái là tỉnh miền núi được thiên nhiên ban tặng cho nhiều danh lam thắng cảnh. Một trong những nơi có vẻ đẹp tiềm ẩn, phù hợp cho du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tìm hiểu văn hóa bản địa đã thu hút rất nhiều khách du lịch thập phương, đó chính là địa danh Suối Giàng.
Xem thêm: Bộ ảnh Suối Giàng 2011
Suối Giàng, Yên Bái mùa nào cũng đẹp nhưng ấn tượng nhất có lẽ vẫn là những dịp đầu xuân, khi chút se lạnh còn vương vấn trên những triền đồi, hòa quyện trên những nương chè cũng là lúc người dân nơi đây tổ chức lễ cúng nhằm tôn vinh cây chè cổ Shan Tuyết Suối Giàng, gắn với đó là các hoạt động văn hóa, văn nghệ, ẩm thực nhằm tôn vinh nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc H’Mông với truyền thống yêu lao động sản xuất. Cây chè Suối Giàng đã trở thành biểu tượng của miền đất giàu tiềm năng để phát triển kinh tế, văn hoá và du lịch Tây Bắc.
Đêm buông xuống thật nhanh trên rẻo cao cũng là lúc lữ khách tôi phải tìm một chỗ nghỉ chân và thật tuyệt khi ngôi nhà sàn của ông Sổng A Nụ người H’Mông làm du lịch đang mở rộng cửa đón khách. Bếp lửa than hồng, thịt nướng, rượu men lá và tiếng “thậm thịch” của cối giã gạo đã giúp du khách xua đi cái rét cắt da cắt thịt. Ông Sổng A Nụ luôn cười vang khi có khách đến ở. Ông bảo: “Uống rượu ở vùng cao khó say lắm, rượu chỉ làm cho người ta ấm bụng, nóng cái người lên được thôi”.
Đúng là vậy, uống nhiều rượu “gần như no cái bụng” mà chúng tôi nào có thấy say. Hình như trong lòng ai cũng nghĩ đi hàng trăm cây số, cuốc bộ, leo núi cả ngày trời lên đây để say, để ngủ là sao. Những cây chè Tuyết San trăm năm gắn với truyền thuyết huyền bí ngoài kia luôn khơi dậy trí tò mò của lữ khách. Như đọc được suy nghĩ của khách, ông Sổng A Nụ trèo lên cây chè cổ thụ dưới sân hái nắm lạ xanh mướt cho ngay vào nồi nước đang sôi trên bếp, được một lát ông rót một bát cho mỗi người. Ông Nụ bảo cứ uống chè đi đã, vừa uống vừa thổi, vừa nghe truyền thuyết về cây chè Tuyết Shan mới thấy vị chè nơi đây.
Suối Giàng nằm ở độ cao trên 1.371 mét so với mực nước biển nên nơi đây có khí hậu mát mẻ quanh năm. Nhiệt độ trung bình thường thấp hơn khu vực huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ từ 80C – 90C. Một ngày ở Suối Giàng, ta có thể cảm nhận rõ được bốn mùa trong năm. Ban đêm, trời se lạnh; sáng ra, mây mờ che phủ bồng bềnh khắp các bản làng, sườn núi; buổi trưa, trời trong xanh, lộng gió và buổi chiều, nắng vàng trải mượt như rót mật.
Không chỉ có khí hậu mát mẻ, Suối Giàng còn có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, những ruộng lúa bậc thang cong cong theo vạt núi, phóng tầm mắt xuống biển lúa vàng óng vùng Mường Lò, vựa lúa lớn thứ hai ở vùng Tây Bắc và một thị xã Nghĩa Lộ đầy năng động. Cùng với cảnh sắc thiên nhiên là những nét văn hóa độc đáo của người Mông, người Dao, người Thái còn được bảo tồn ở Văn Chấn. Du khách đến đây không chỉ phiêu du dưới tán rừng nguyên sinh với phong cảnh kỳ thú mà còn có thể được cùng hái chè, sao chè rồi uống chè với những cô gái Mông mến khách, hoặc cùng chiêm nghiệm và hòa vào không khí bí ẩn, linh thiêng trong Lễ cấp sắc của người Dao, rộn ràng trong những ngày hội xuân, ấm áp trong Lễ mừng cơm mới của người Thái…
Đi ngược lên khu rừng nguyên sinh Tập Lăng còn khá nguyên vẹn với nhiều thảm thực vật, động vật phong phú; hoặc phiêu du cùng thác Tập Lăng nước chảy trắng xóa. Xa xa, rừng thông mã vĩ bồng bềnh mây trắng, thấp thoáng như một Đà Lạt mộng mơ.
Nhớ khi xưa, mới đến định cư, nơi đây chỉ có vài nóc nhà, cuộc sống đói rét, lầm than, tăm tối, người Mông chỉ biết cặm cụi làm ăn: trồng ngô, trồng lúa và săn bắt. Nhờ trời, nhờ ơn Đảng và Chính phủ, người Mông có cây chè quý, có được nguồn thu đáng kể, có công ăn việc làm, xoá được cái đói, giảm được cái nghèo, đời sống có nhiều tiến bộ. Hàng trăm năm qua, cây chè của tự nhiên đã đi vào đời sống và trở thành biểu tượng văn hoá của vùng núi tươi đẹp, hùng vĩ này. Chè trên đồi, chè trong vườn, chè mọc thành rừng, cây chè đi vào đời sống tâm hồn con người, gần gũi và thân thuộc, gắn bó như máu thịt với đồng bào. Trồng chè, thưởng thức chè đã trở thành nhu cầu, thành văn hoá. Suối Giàng hôm nay đã đổi mới rồi, lung linh điện sáng trên núi cao, vang vang tiếng trẻ học bài, người Mông có truyền hình để xem, có xe máy để đi, tất cả là nhờ cây chè, hương chè, búp chè mang lại. Hương thơm, vị đượm của chè Shan Tuyết Suối Giàng đang bay xa để mời gọi bạn bè bốn phương. Sản phẩm chè Suối Giàng đã trở thành thương hiệu nổi tiếng được bàn bè trong và ngoài nước ưa chuộng”.
Cùng chúng tôi ngắm những bức ảnh về sự phát triển của Suối Giàng năm 2019:
Ảnh tổng hợp từ : Giang Trinh, Đào Đức Hiếu,