Suối Giàng là một xã vùng cao của huyện Văn Chấn (Yên Bái), nổi tiếng với những gốc chè tuyết cổ thụ ở trên độ cao gần 1.500m so với mực nước biển. Đã thành thói quen, mỗi khi có dịp nghỉ lại ở Văn Chấn, chúng tôi sẽ chọn suối khoáng bản Hốc để ngủ đêm, sớm ra ăn sáng bằng đĩa lòng lợn béo ngậy ngoài phố rồi mới tiếp tục đi đâu thì đi.
Từ Văn Chấn, dân đi có nhiều lựa chọn để làm điểm đích tiếp theo cho hành trình như Tà Sì Láng, Phình Hồ, Làng Nhì, Suối Giàng hay lên hẳn Nghĩa Lộ, Tú Lệ, Mù Căng Chải.
Suối Giàng cách trung tâm xã Văn Chấn chỉ hơn 10km, đường lên không quá khó, đã được trải nhựa và đổ bê tông vươn tới nhiều bản nằm sâu trên núi.Không cực nhọc và phiêu linh như đường vào Phình Hồ hay lên Tà Sì Láng, bù lại Suối Giàng mang đến cho lữ khách một khung cảnh thiên nhiên tươi mát và trong trẻo, những bản làng vắng vẻ và mang dáng vẻ cách biệt với thế giới bên ngoài.
May mắn còn gặp các cô gái Mông ngồi thêu bên vệ đường trong ánh nắng chiều mơ mộng.Nhưng cái chắc chắn có, mà không phải vùng nào của Yên Bái cũng có, ấy là được hít căng lồng ngực hương chè ngan ngát khi dừng chân bên những khu rừng cổ thụ – quê hương của cây chè tuyết shan nổi tiếng trong và ngoài nước nay đã thành thương hiệu “Chè tuyết Suối Giàng”.
Sản phẩm chè tuyết shan Suối Giàng trên thị trường thuộc loại hàng hiếm và đắt. Bởi chè được hái từ những cây cổ thụ có tuổi đời ít nhất cũng trăm năm, phát triển hoàn toàn tự nhiên và dựa vào linh khí của núi rừng, sau đó được chế biến (sao) bằng phương pháp thủ công truyền thống, không cho chất phụ gia để đảm bảo hương vị thuần khiết của búp chè cổ thụ.
Bởi thế, hộp chè shan tuyết cổ thụ thường được dùng làm quà biếu thể hiện sự sang trọng và tinh tế trong quan hệ giữa các đối tác. Và cũng bởi thế, ở Hà Nội chả có mấy khi thấy dân đi uống trà shan tuyết Suối Giàng.Nhưng nếu đi “phượt” trên Suối Giàng thì khác. Đến tận nơi, chơi tận gốc kia mà. Chúng tôi tự tin bỏ xe trên đường mòn rồi leo lên đồi, ngả mình trên thảm cỏ xanh, trên đầu là những tán chè cổ thụ xanh rợp.
Một gia đình người Mông tay bế tay bồng, con lớn, con bé, cả vợ cả chồng đang lên rừng thu hoạch chè.Búp chè ở trên cây cổ thụ xù xì trắng mốc, mọc cheo leo trên sườn núi, nên nhất định phải trèo lên cây để hái, lá chè chẳng mấy đã đựng đầy gùi (quẩy tấu) trong khi đứa con nhỏ vẫn tự ngồi chơi một mình.
Đám con gái đi chơi vừa tranh thủ xin hái chè cùng cô vợ người Mông, vừa chuyện trò thăm hỏi. Cậu bạn chạy ra xe lúi húi gỡ balo, lấy ra cái cặp lồng inox, chai nước và ít cồn khô.Thay vì cà phê trên đường phượt như mọi lần, đã lên đến Suối Giàng, thì hôm nay cớ gì chúng ta không thưởng chè xanh theo cách của dân phượt?
Nghĩ là làm, cậu hỏi xin hái một nắm búp lá chè xanh non mơn mởn, bắc bếp Hoàng Cầm đun ngay cặp lồng nước nóng. Đợi khi nước sôi thì thả lá trà vào đun để vị trà, hương trà thôi ra nước. Chai lavie rỗng lại được cắt đôi để làm cốc.Mùi lá chè tươi bốc lên thơm ngan ngát khiến cậu cứ hít hà hít hà trong thời gian đợi nước chè mới đun nguội đi một chút trước khi san sang chiếc cốc tự tạo.
Chúng tôi chuyền tay nhau cốc chè tuyết Suối Giàng tươi tự nấu, nước cũng xanh lắm và vị ngọt thì tuyệt vời, đọng lại rất lâu trên đầu lưỡi, cuống họng. Càng uống càng thấy ngon ngọt.Dường như tinh hoa đất trời Tây Bắc đã hội tụ cả trong búp chè mong manh bé nhỏ này vậy. Hay tại chúng tôi được thưởng chè trong một không gian khoáng đạt và tự do tự tại, quên hết những vất vả nhọc nhằn của phồn hoa đô hội.
Thế nên vị ngọt của chè tuyết Suối Giàng đã ở lại mãi trên môi…?
Hái chè với người Mông là một trong những trải nghiệm thú vị của dân đi “phượt” – Ảnh: Thủy OCG
Theo Tuổi trẻ Online