Theo ông Bùi Văn Bân, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Yên Bái, tỉnh Phú Thọ cần xem xét lại việc chấm dứt trồng thí điểm cây cao su.UBND huyện Cẩm Khê có kế hoạch sẽ chấm dứt mô hình trồng thí điểm cây cao su trên địa bàn để nhường đất cho dự án đầu tư mới.Lý do là việc trồng cây cao su không phù hợp với khí hậu chậm phát triển, không hứa hẹn hiệu quả, làm lãng phí tiềm năng đất đai.
Tuy nhiên theo lãnh đạo công ty cao su Yên Bái thì toàn bộ diện tích cây cao su đang sinh trưởng và phát triển tốt, các chỉ tiêu tăng trưởng về vòng vanh theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.Có mặt tại Đội Cao su Phú Thọ, nằm trên địa bàn xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê tỉnh Phú Thọ, chúng tôi thấy những đồi cao su xanh ngát, đang bước vào tuổi thứ 5,6. Mặc dù đang trồng thí điểm nhưng cây cao su đang sinh trưởng và phát triển tốt.
Ông Bùi Văn Bân, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Yên Bái cho biết, dự án thí điểm trồng cây cao su được triển khai tại Xí nghiệp Chè Vạn Thắng (thuộc Công ty cổ phần Chè Phú Thọ) từ năm 2010.Dự án được triển khai tại xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê với tổng diện tích 188 ha, trong đó năm 2010 trồng 4 ha, năm 2011 trồng 31,4 ha, năm 2012 tăng lên 152,6 ha.
Năm 2011 toàn bộ diện tích cao su giống GT1, Rim 600, Ric 121 và Lai Hoa 83-85 trồng mới đều bị chết do rét hại kéo dài.
Năm 2011 và năm 2012, Công ty cao su Yên Bái đã tiến hành trồng lại bằng các giống chịu lạnh của Trung Quốc VNG 77-4, VNG 77-2; đồng thời áp dụng các biện pháp kỹ thuật như thay đổi mùa vụ trồng mới từ vụ hè thu sang vụ xuân hè, điều chỉnh công thức bón phân hợp lý. Tăng cường các biện pháp chống rét đối với vườn cây.
Sau hơn 5 năm trồng thí điểm, hiện nay toàn bộ diện tích cây cao su đang sinh trưởng và phát triển tốt, các chỉ tiêu tăng trưởng về vòng vanh theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam ban hành.Dự kiến đến năm 2019, 4 ha đầu tiên sẽ đưa vào khai thác, đến năm 2020 có thêm 31,4 ha và đến năm 2021 toàn bộ152,6 ha còn lại sẽ cho khai thác.
Anh Nguyễn Văn Quân, đội trưởng đội Cao su Phú Thọ cho biết trước đây anh là công nhân của Xí nghiệp Chè Vạn Thắng, đời sống bập bênh, thường xuyên không có việc làm.Từ khi chuyển sang làm công nhân trồng cao su điều kiện kinh tế ổn định hơn, các quyền lợi của công nhân lao động được quan tâm.
Hiện nay toàn đội có 30 công nhân lao động, làm nhiệm vụ trồng và chăm sóc cây cao su, thu nhập mỗi tháng 3 triệu đồng/người, công nhân lao động đều được đóng bảo hiểm y tế, xã hội.
Tuy nhiên, theo đánh giá của huyện Cẩm Khê việc trồng cây cao su không phù hợp với khí hậu (không chịu được rét đậm) nên một số diện tích cây bị chết hoặc chậm phát triển, không hứa hẹn hiệu quả, làm lãng phí tiềm năng đất đai.Huyện sẽ xem xét chấm dứt mô hình trồng thí điểm cây cao su để nhường đất cho dự án đầu tư mới. Huyện cũng đã phối hợp với Tập đoàn Hòa Phát tiến hành khảo sát và dự kiến sẽ triển khai dự án chăn nuôi bò thịt và chăn nuôi lợn thịt áp dụng công nghệ cao.
Tỉnh Phú Thọ cũng không coi cao su là cây chủ lực, tới đây sẽ đưa cây cao su ra khỏi quy hoạch nông nghiệp của tỉnh.Tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chức năng và huyện Cẩm Khê phối hợp với Công ty cao su Yên Bái thanh lý mô hình này; trong đó, thanh lý toàn bộ quá trình đầu tư trồng, chăm sóc cây đến giai đoạn này, không tính giai đoạn sau.Toàn bộ đất đai của dự án trồng cao su cũ sẽ được giao cho địa phương quản lý; riêng diện tích rừng phòng hộ thì chuyển giao cho Ban quản lý rừng Ngòi Giành.
Theo ông Bùi Văn Bân, tỉnh Phú Thọ cần xem xét lại việc chấm dứt trồng thí điểm cây cao su tại Phú Thọ tránh gây lãng phí trong đầu tư, đồng thời đảm bảo đời sống ổn định lâu dài cho người lao động.Trong thời gian tới, công ty tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp canh tác bền vững trong các khâu chăm sóc, bón phân, khai thác để tăng sản lượng, giảm giá thành sản phẩm góp phần tăng giá trị sản xuất.Các nhà máy chế biến cao su cũng sẽ đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất qua chế biến để hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh trên thị trường./.
Lâm Đào An/TTXVN