Sau 8 năm trồng măng mai, nhiều hộ gia đình ở xã vùng cao Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái không những thoát nghèo, mà đã giàu lên từ những mảnh nương của mình.
Có lợi thế đất đồi, khi được chính quyền địa phương vận động mở rộng trồng cây tre măng mai, một loại măng ngọt, chị Hoàng Thị Thường, dân tộc Tày ở Bản Khéo, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái đã nhiệt tình hưởng ứng. Vốn đầu tư ban đầu không cao, lại dễ chăm sóc, nên gia đình chị đã trồng gần 1.000 gốc măng. Qua 8 năm triển khai, vừa trồng, vừa cung cấp giống ra thị trường và thu gom măng của bà con trong bản để bán, mỗi năm gia đình chị đã có thu nhập trên 200 triệu đồng.
Chị Hoàng Thị Thường nói: “Trồng cây măng thực sự rất phù hợp với điều kiện của gia đình. Cây măng trồng tốt nhât là vào mùa xuân này vì đây là thời điểm lượng mưa đều. Lúc trồng đối với đất bằng thì nên bón lót thêm phân NPK hoặc phân chuồng, mỗi gốc cách gốc khoảng 5 mét, nếu đất tốt thì khoảng cách này có thể xa hơn. Khi thu hoạch mỗi gốc phải để 2 – 3 củ măng phát triển thành cây cho sang năm mọc măng tiếp”.
Gia đình anh Nông Ngọc Quỳ, ở Nặm Chắn, xã Lâm Thượng cũng tham gia trồng tre măng mai từ những ngày đầu khi mô hình được triển khai tại địa phương. Buổi đầu chưa có kinh nghiệm, cũng như chưa nắm bắt được thị trường, nên anh chỉ trồng trên 300 gốc. Sau 4 năm trồng thử, những gốc tre đã cho thu hoạch măng và đem về nguồn thu khá cho gia đình.
Trước thành quả đó, năm 2012, anh và gia đình đã đưa toàn bộ diện tích nương đồi của gia đình vào trồng tre măng mai, với trên 1.300 gốc. Hiện những gốc tre măng này đã trở thành nguồn thu nhập chính và ổn định cho gia đình. Tính riêng năm 2015, anh thu được trên 15 tấn măng tươi, trị giá trên 140 triệu đồng.
Ngoài trồng măng, anh còn chăn nuôi lợn, cá… cho thu nhập thêm vài chục triệu đồng mỗi năm. Nhờ đó, vợ chồng từ 2 bàn tay trắng khi ra ở riêng, nay đã có nhà ở khang trang, giá trị khoảng 700 triệu đồng; mua sắm được nhiều đồ dùng gia đình như xe máy, tivi.
Anh Nông Ngọc Quỳ cho biết: “Lúc chưa trồng cây măng mai kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Từ khi thăm gia trồng và có nguồn thu từ cây tre măng mai cuộc sống gia đình đã thay đổi nhiều và gia đình tôi sẽ tiếp trồng loại cây này vì có giá trị kinh tế cao”.
Không chỉ gia đình anh Quỳ, chị Thường mà nhiều hộ gia đình khác ở xã Lâm Thượng cũng có kinh tế khá giả từ trồng cây tre măng mai. Hiện toàn xã đã có khoảng 500 héc ta, tập trung chủ yếu ở Bản Khéo, Nặm Chắn và Nặm Chọ, với tổng sản lượng khoảng trên 1.000 tấn măng tươi mỗi năm, thu về hàng tỷ đồng cho người dân địa phương. Riêng vụ măng năm 2015, bà con nông dân đã thu được gần 1.100 tấn măng tươi, trị giá gần 5 tỷ đồng.
Ông Trần Thanh Trúc, Chủ tịch UBND xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: “Cây măng mai hiện nay là một trong những cây trồng có gia trị kinh tế rất cao, bình quân mỗi búi cho thu hoạch từ 2 tạ đến 3 tạ măng tươi. Khi thu hoạch về ta phơi khôi rồi bán ra thị trường với giá trên 100.000 đồng/kg, từ đó đã đóng góp lớn để nâng cao mức thu nhập gia đình của địa phương”.
Mô hình trồng tre măng mai ở xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên hiện đang được tỉnh Yên Bái nhân rộng ở nhiều địa phương trong tỉnh, mục tiêu là giúp nhiều hộ nông dân có thể làm giàu từ chính mảnh vườn, đồi nương của mình.
Thừa Xuân – Thường trú VOV tại Tây Bắc