Đó là nghệ nhân Lò Văn Biến, bản Cang Nà, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, người đã dành cả đời mình nghiên cứu, lưu giữ và truyền dạy văn hóa cho các thế hệ con đồng bào dân tộc Thái. Ghi nhận những đóng góp to lớn của ông, Chính phủ đã phong tặng ông danh hiệu nghệ nhân ưu tú trong đợt phong tặng đầu tiên.
“Pho sử sống” của đồng bào Thái
Trong lễ đón nhận bằng văn hoá phi vật thể cho múa xoè Mường Lò, hồi tháng 10/2015, nghệ nhân Lò Văn Biến được chọn là người đại diện lên nhận bằng công nhận di sản. Bởi lẽ, ông chính là người đã có công lớn trong việc gìn giữ, truyền dạy múa xoè, cũng như xây dựng hồ sơ đề nghị đưa múa xoè ở Mường Lò thành di sản văn hoá phi vật thể. Ấy vậy mà, ngay sau khi nhận xong bằng di sản múa xoè, ông lại tất bật xây dựng hồ sơ về lễ hội Hạn Khuống, một hình thức diễn xướng sân khấu sơ khai, nơi trai gái đồng bào dân tộc Thái thường tổ chức hát đối đáp giao duyên… “Ông đang hoàn thiện hồ sơ về Hạn Khuống rồi, đề tài được Hội đồng Khoa học Công nghệ tỉnh Yên Bái đánh giá cao và yêu cầu hoàn thiện để gửi hồ sơ lên Trung ương đề nghị xét duyệt, công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia”, nghệ nhân Lò Văn Biến vui vẻ cho biết.
Không chỉ múa xoè, lễ hội Hạn Khuống, mà trong quá trình xây dựng hồ sơ các di sản, di tích gắn với văn hoá người Thái ở Mường Lò, nghệ nhân Lò Văn Biến vẫn luôn là người đóng góp nhiều công sức nhất. Những tài liệu liên quan đến lịch sử, văn hóa của người Thái ở Mường Lò đều do ông Biến dịch. Bảo tàng tỉnh Yên Bái, khi làm hồ sơ để công nhận một số di tích văn hóa của người Thái như hồ sơ về khu Rừng hồn trâu và Nậm Tốc Tát, hồ sơ về khu di tích lịch sử bản Viềng Công (gắn với truyền thuyết về tướng Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng)… đều được bảo tàng Yên Bái và huyện Văn Chấn nhờ ông dịch và tư vấn. Ông cũng là người góp công lớn vào việc khôi phục các lễ hội như “Xên bản xên mường”, “Lồng tồng”; sinh hoạt “Hạn khuống”, phục hồi 6 điều xoè cổ của người Thái Mường Lò…
Chia sẻ về lý do đã gắn bó ông với việc nghiên cứu văn hoá Thái, ông Biến cho biết, bố ông là một trong những trí thức nhất nhì ở Nghĩa Lộ thời đó, ông có lưu giữ rất nhiều sách chữ Thái cổ. Năm ông Biến lên 7 tuổi, bố ông đã gửi con sang nhà thày mo Lò Văn Phớ, người giỏi chữ Thái nhất, biết hát nhiều điệu hát của người Thái nhất hồi đó để học chữ. Học phí cho mỗi buổi học là 1 bung thóc (tương đương 15kg). Vốn là người thông minh, nhanh nhẹn, nên chỉ sau vài buổi học, ông Biến đã biết đọc, biết viết chữ Thái.
Khi biết đọc, biết viết chữ Thái, ông thường mang những cuốn sách viết bằng chữ Thái cổ ở nhà ra đọc, thấy những cuốn sách đó không chỉ có các bài thơ, bài hát của người Thái, mà còn dạy rất nhiều điều điều hay, nhiều bài học có ích trong cuộc sống nên ông rất thích. Sau này, ông vẫn vừa học chữ quốc ngữ, vừa tự học chữ Thái. Năm 13-14 tuổi, ông đã thuộc làu từng câu trong cuốn “Tiễn dặn người yêu” – một tác phẩm văn học lớn của dân tộc Thái. Bố ông thấy vậy mừng lắm. Năm ông 20 tuổi, bố ông lại đưa cho ông cuốn “Kể chuyện bản mường”, cuốn sách nói về việc người Thái từ đâu đến, phát triển như thế nào… và bố ông bắt đầu trò chuyện với ông về văn hoá người Thái. Sau này, rất nhiều nghiên cứu, bài phát biểu của ông về văn hoá người Thái được bắt đầu từ những câu chuyện của bố ông ngày xưa.
Nặng lòng với văn hóa dân tộc
Từ những câu chuyện đọc trong sách, từ những cuộc trò chuyện với bố, nên những kiến thức về văn hoá của đồng bào dân tộc Thái ngày càng dày lên. Ông Biến kể lại: “Sau khi biết chữ, đọc sách cổ người Thái, tôi thấy sách dạy nhiều điều hay, dạy nhiều bài học quý, tôi tự hào lắm. Càng đọc càng thấy thích, thấy mê. Có sách dăn dạy con người làm điều lành tránh điều ác, có sách dạy bà con canh tác, trồng trọt, tháng nào gieo mạ, tháng nào cấy, rồi sách dạy cách phán đoán thời tiết, con gì ra thì trời nắng, con gì ra thì trời mưa… Có sách kể chuyện cha ông ta đánh giặc, lại có những cuốn sách dạy ta cách làm người, dạy con cháu nhiều điều hay lẽ phải, kể cả những luật lệ trong cuộc sống, cách đối nhân xử thế. Ví dụ, sách dạy: Khi thấy người khác mở tráp, mở hòm thì đừng ngó, vì nếu mất ta sẽ bị nghi là lấy trộm. Nhưng nếu nhà người ta mổ lợn, mổ trâu thì phải đi giúp…”. Khi đã đọc hết sách trong nhà, ông lại đi mượn sách của những người khác về đọc tiếp.
Nghệ nhân Lò Văn Biến luôn say mê nghiên cứu chữ Thái cổ.
Thấy sách cha ông dạy nhiều điều hay, mà bà con lại không mấy người biết chữ Thái, nên ông đã nghĩ đến việc dịch những cuốn sách đó ra tiếng Việt để nhiều người có thể đọc được. Nhờ vậy, sau nhiều năm tháng mày mò, nghiên cứu, những cuốn sách như Đạo lý làm người (Quam xon côn), Chuyện bản mường (Quam tố mướng), Bước đường chinh chiến của cha ông (Táy púk xấc), Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng (Căm hánh tặp sấc cớ lương)… rồi những cuốn sách tìm hiểu về tục cúng vía dân tộc Thái đen Mường Lò, tục cúng mường, cúng bản… lần lượt được ông dịch ra chữ quốc ngữ.
Ông Biến cho biết, khi dịch sách Thái ra chữ quốc ngữ, ông cũng hy vọng nhiều người đọc, thấy sách cha ông dạy nhiều điều hay, sẽ có nhiều người thích và muốn học chữ Thái. Thêm vào đó, ông cũng muốn dịch ra tiếng phổ thông, để chia sẻ những kinh nghiệm trong cuộc sống, trong lao động sản xuất với các cộng đồng dân tộc khác.
Khoảng những năm 2006-2007, khi chữ Thái cổ ở Mường Lò đứng trước nguy cơ chìm vào quên lãng, ông lo lắm. Để giữ chữ Thái cổ, ông đã mở lớp dạy miễn phí chữ Thái tại nhà, ai muốn học đều được ông tận tình dạy dỗ. Giáo án ông soạn toàn là những bài hát, bài khắp cổ ngày xưa, nên có rất nhiều thanh niên thích và theo học… Dần dần, số người đến xin học ngày càng nhiều, có cả những nghiên cứu sinh người nước ngoài đến xin ông dạy chữ như Hakigana Masao, Okada Masashi (người Nhật Bản), là nghiên cứu sinh của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, có cả những nghiên cứu sinh người Thái Lan, Pháp… đã đến nhà, xin ông dạy tiếng Thái cổ để tìm hiểu về nguồn gốc của người Thái. Tính từ năm 2006 đến nay, ông đã mở 8 lớp học, dạy cho gần 300 học viên ở Nghĩa Lộ biết chữ Thái. Ngoài 2 lớp được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam hỗ trợ kinh phí, còn lại các lớp học khác ông đều dạy miễn phí. Giáo viên không có lương, học viên tự túc kinh phí, sách vở… Ông cũng là người soạn bộ tài liệu dạy tiếng và chữ Thái cho cán bộ công chức công tác tại vùng dân tộc thiểu số, cuốn sách do Sở Nội vụ Yên Bái đặt hàng, nhưng sau này, Bộ Nội vụ thấy tốt nên đã chọn luôn làm giáo án dạy cho các vùng dân tộc thiểu số.
Ngoài dạy chữ Thái, ông còn lặn lội đi đến các xã, các bản dạy các thanh niên thổi khèn bè, thổi sáo, dạy múa xoè cho các cháu. Nhờ sự tận tình dạy dỗ của ông, đến nay, rất nhiều thanh niên, là thế hệ sinh sau đẻ muộn, vốn không được biết nhiều về những câu hát, điệu múa của dân tộc mình, không biết viết chữ của dân mình, nhưng nhờ được ông dạy dỗ, đã biết đọc, biết viết chữ, biết thêm nhiều bài khắp, biết đánh đàn tính, biết thổi pí pặp, pí thiu, pí ló… những nhạc cụ của dân tộc mình. 6 điệu xoè cổ do ông khôi phục vừa được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, trở thành niềm tự hào của đồng bào dân tộc Thái ở Mường Lò. Những thanh niên đã được theo ông học chữ học hát đều rất yêu quý ông. “Nhiều khi đi trên đường, gặp mấy cháu thanh niên, các cháu nói vui với tôi: Ông đừng vội chết đấy nhé!”, ông Biến vui vẻ kể lại.
Cả một đời dành cho chữ Thái và văn hoá Thái, bây giờ, ở cái tuổi “Thất thập cổ lai hy”, ước mơ của già Biến là làm thế nào để truyền hết những gì mình biết cho thế hệ sau này, làm sao dạy cho đồng bào mình biết đọc, biết viết chữ Thái, dạy cho con cháu văn hoá Thái… Không ít người tò mò, hỏi tại sao ông lại phải bỏ công sức để dạy chữ Thái, dạy múa, hát cho các cháu người Thái. Câu trả lời của ông thật đơn giản: “Tôi dạy vì nghĩ, nhiều người biết chữ, nhiều người biết làm điều lành là tôi mừng rồi. Tôi chỉ mong sao con cháu đừng quên văn hoá tốt đẹp của dân tộc, của cha ông là tốt rồi. Khi đi dự một đám cưới người Thái, được nghe người Thái hát những bài hát, những điệu khắp, biết múa điệu xoè của người Thái, biết nói những câu châm ngôn, tục ngữ dân tộc, rồi trẻ nhỏ biết chơi trò chơi dân gian dân tộc Thái… như vậy là đủ”, ông Biến nói.
Bài và ảnh: Phương Lan