Trong quá trình khảo sát của Ban quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Yên Bái phát hiện nhiều dấu tích của một ngôi chùa lớn tại thôn Chùa, xã Chấn Thịnh, Huyện Văn Chấn. Nhận thấy đây là một di tích phật giáo có quy mô lớn, đoàn khảo sát đã phối hợp cùng với Bảo tàng tỉnh bước đầu thực hiện đào hố thám sát tại địa điểm trên thấy xuất hiện nhiều hiện vật bằng gạch, ngói mang giá trị lịch sử: Ngói cánh sen, đầu Đao, đá kê chân cột… Bước đầu xác định đây là một ngôi chùa có quy mô lớn, niên đại thời Lý, Trần (thế kỷ XIII-XIV).
Được biết Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ những năm trước Công nguyên, nhưng vào thời kỳ Lý, Trần thế kỷ XI–XIV là thời kỳ Phật giáo phát triển cực thịnh và được coi là Quốc giáo. Nhiều công trình Phật giáo được xây dựng đến từng làng, xã trên khắp đất nước. Thế kỷ XIII Trần Cảnh lên ngôi đã xuống chiếu cho các địa phương có đình phải vẽ, đặt tượng phật nhằm đáp ứng sự quảng bá của đạo Phật. Có lẽ cũng chính từ đây Phật giáo đã du nhập vào Yên Bái và phát triển, điển hình như: Quần thể di tích Hắc Y-Đại Cại (Tân Lĩnh-Lục Yên), chùa Trúc Lâm Thiên Phú (Phù Nham-Văn Chấn), nay phát hiện thêm dấu tích ngôi chùa lớn tại xã Chấn Thịnh, càng khẳng định Phật giáo phát triển mạnh tại vùng đất Yên Bái từ rất lâu đời.
Hòa Đại Nhân