Văn Yên: Chuyện buồn “xuất ngoại” vỡ mộng đổi đời

0
Rate this post

Đối với bà con vùng cao, cuộc sống còn nhiều khó khăn, xuất ngoại luôn được coi như một cơ hội để họ đổi đời, để giúp gia đình thoát khỏi cảnh đói nghèo. Song, với hơn 500 người dân ở một số xã thuộc huyện Văn Yên (Yên Bái), cơ hội đó đã biến thành những ngày dài bị bóc lột sức lao động, bị nguy hiểm rình rập… bởi vì họ đã nghe theo người xấu, xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc.

Chính quyền các cơ quan chức năng, trong đó nòng cốt là lực lượng Công an đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền,  vận động, giáo dục pháp luật cho nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số. Ảnh QĐ

Chính quyền các cơ quan chức năng, trong đó nòng cốt là lực lượng Công an đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền,
vận động, giáo dục pháp luật cho nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số. Ảnh QĐ

Vỡ mộng đổi đời….
Công bằng mà nói, mong muốn có việc làm, tăng thu nhập để ổn định đời sống là một mong muốn hoàn toàn chính đáng của bà con. Chỉ có điều, cái cách mà họ làm thì vừa không phù hợp, vi phạm pháp luật, vừa chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro, nguy hiểm.
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em Bàn Thị Giáng, dân tộc Dao (ở thôn Khe Trang, xã An Bình, huyện Văn Yên) phải nghỉ học từ năm lớp 8 để ở nhà phụ giúp bố mẹ việc nương rẫy. Tuy nhiên, do gia đình ít đất nên hiệu quả trồng trọt chẳng đáng là bao. Đầu năm 2014, sau khi đã trồng xong nương sắn của gia đình, khi thấy có người rủ sang Trung Quốc làm việc, Giáng đã đi theo và nhập cảnh trái phép vào nước bạn để làm việc cho một cơ sở chế biến nông sản. Viễn cảnh về công việc an nhàn, lương cao đã bị thay thế bằng cảnh sống khổ cực, bị bóc lột sức lao động thậm tệ với thời gian lao động hàng ngày 13 – 15 tiếng. Sau hơn 6 tháng “xuất ngoại”, Bàn Thị Giáng chỉ được trở về nước sau khi cơ quan chức năng Trung Quốc kiểm tra và bắt giữ những lao động nhập cảnh trái phép. Chưa hết bàng hoàng, em Bàn Thị Giáng chia sẻ: “Sang đó, chủ xưởng chỉ bảo đảm thức ăn còn tiền lương thì họ không trả. Nhiều lần em cũng muốn trốn khỏi xưởng nhưng không được vì bị quản lý rất chặt. Mọi hoạt động của lao động chỉ ở trong khu xưởng. Giờ nghĩ lại, em vẫn thấy may mắn khi mình được về nhà cùng gia đình”.

Cũng giống Giáng, sau hơn 4 tháng sang Trung Quốc lao động, vợ chồng anh Đặng Văn Phi và chị Trương Thị Son (ở bản Khe Dứa, xã Viễn Sơn) cũng trở về với hai bàn tay trắng. Tranh thủ lúc nông nhàn, nghe theo lời giới thiệu của một người phụ nữ cùng xã lấy chồng ở Trung Quốc, đôi vợ chồng trẻ đã gửi con nhỏ lại cho ông bà chăm nom để sang nước bạn kiếm việc làm thêm. Thu nhập cao không thấy đâu, chỉ biết mỗi ngày, họ đều phải làm việc hơn chục tiếng đồng hồ, còn tiền công thì “bao giờ về sẽ nhận” – như lời của người phụ nữ nọ. Nhưng tận đến lúc được công an Trung Quốc giải cứu thì họ mới biết, nơi họ vào làm việc chỉ là một xưởng lao động… chui.

Tìm hiểu thực tế cho thấy, không chỉ có em Giáng, anh Phi, chị Son… mà còn có hàng trăm lao động khác ở huyện Văn Yên bỏ nhà sang Trung Quốc làm ăn trái phép. Số người này tập trung chủ yếu ở một số xã như: An Bình, Lang Thíp, Lâm Giang, Mỏ Vàng, Quế Hạ, Quế Thượng, Viễn Sơn… Tình trạng này bắt đầu diễn ra lác đác vào khoảng những năm 2009 – 2010, khi có một số phụ nữ địa phương lấy chồng người Trung Quốc về nước tìm thuê lao động. Từ năm 2013, việc xuất cảnh trái phép của lao động dần có xu hướng tăng lên nhiều.

Theo thống kê, hiện Yên Bái có trên 1.000 trường hợp bỏ nhà sang Trung Quốc làm ăn, trong đó riêng huyện Văn Yên có khoảng gần 500 người, bao gồm hơn 450 trường hợp tự nguyện đi, số còn lại khoảng 40 người là bị lừa bán. Trong năm 2014, lực lượng Công an huyện Văn Yên đã phát hiện 130 trường hợp xuất nhập cảnh trái phép, trong đó có tới 80 trường hợp là đồng bào dân tộc thiểu số. Thực trạng này không chỉ gây ra những khó khăn trong quản lý địa bàn cho chính quyền địa phương mà còn tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn đe dọa sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người lao động. Đồng thời, đây cũng trở thành hồi chuông cảnh báo đối với những người đang có ý định xuất cảnh trái phép.

Đánh đúng tâm lý của số đông lao động là mong muốn có công việc nhàn hạ, lương cao, các đối tượng môi giới và lừa đảo đã tìm mọi cách tiếp xúc, gặp gỡ với người dân rồi vẽ ra viễn cảnh ở bên kia biên giới với công việc ổn định, mức lương cao… Nhiều trường hợp khó khăn, các đối tượng này sẵn sàng ứng cho người lao động toàn bộ chi phí đi lại trong quá trình xuất cảnh, sau đó sẽ trừ dần vào tiền lương hàng tháng. Do đó, không ít người nhẹ dạ, cả tin đã theo các đối tượng này nhập cảnh trái phép vào Trung Quốc. Và cái mà họ nhận được chỉ là những công việc nặng nhọc; thời gian, cường độ làm việc lớn nhưng lại không được trả lượng hoặc nhận lương rất thấp. Nhiều người còn trở thành nạn nhân trong các đường dây mua bán người, mua bán phụ nữ, trẻ em…

Là cán bộ có nhiều năm gắn bó với địa bàn, Trung tá Lê Đức Thọ – Phó trưởng Công an huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái) cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng chủ yếu vẫn là do đời sống của đồng bào dân tộc trên địa bàn còn nhiều khó khăn, hiệu quả sản xuất kinh tế thấp. Hơn nữa, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo, môi giới lao động lại ngày càng tinh vi nên nhiều bà con nhẹ dạ, cả tin, thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết về pháp luật đã dễ dàng bị kẻ xấu lừa gạt, dụ dỗ xuất cảnh trái phép sang nước ngoài để lao động bất hợp pháp.

nan-tao-hon-o-yen-bai
Cùng đi tìm giải pháp lâu dài?

Thực tế thời gian qua ở huyện Văn Yên cho thấy, việc xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc đã để lại những hệ lụy không nhỏ đối với bản thân người lao động cũng như đối với tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cùng cơ quan chức năng, trong đó nòng cốt là lực lượng Công an đã thường xuyên đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật cho nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số. Thông qua các nội dung tuyên truyền như: Quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh; ví dụ thực tế về các nạn nhân bị kẻ xấu lừa ra nước ngoài lao động trái phép; cảnh báo về những nguy cơ khi xuất cảnh trái phép vào Trung Quốc… đã từng bước nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác của người dân, tránh bị kẻ xấu lừa đảo. Đồng thời, lực lượng Công an cũng tăng cường bám sát cơ sở, phối hợp cùng chính quyền địa phương quản lý tốt về nhân khẩu; động viên người dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, qua đó kịp thời ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng lôi kéo, đưa người lao động xuất cảnh trái phép.

Song song với đó, công tác điều tra, xử lý các đối tượng môi giới, lừa dụ lao động ra nước ngoài trái phép cũng được các cơ quan chức năng tiến hành nghiêm túc, hiệu quả, có tính giáo dục và răn đe cao. Từ năm 2014 đến nay, Công an huyện Văn Yên đã khởi tố hàng chục đối tượng có hành vi môi giới, lừa đảo, tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép. Ông Háng Văn Sơ (ở bản Khoang, xã Lang Thíp) cho biết: “Hôm trước được dự một buổi xét xử lưu động của Tòa án nhân dân huyện, tôi càng thêm hiểu rõ hơn những thủ đoạn, cách thức dụ dỗ của các đối tượng xấu. Tôi sẽ động viên con cháu khắc phục khó khăn, yên tâm sản xuất; không nghe theo sự lừa dụ của người xấu, không xuất cảnh trái phép rồi bị bắt ép lao động, khổ lắm!”.

Với sự vào cuộc của các lực lượng, các tổ chức, thời gian gần đây, công tác phòng chống xuất nhập cảnh trái phép ở huyện Văn Yên đã thu được những kết quả tích cực. Một số địa bàn vốn được coi là “điểm nóng” đã từng bước hạn chế được tình trạng này. Tuy nhiên, nhìn nhận dưới góc nhìn tổng thể, để ngăn chặn tiến tới đẩy lùi tình trạng lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, thiết nghĩ, tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trên địa bàn, nhất là tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây chính là giải pháp lâu dài, bền vững.

Trên cơ sở đặc điểm, điều kiện của từng địa bàn, cấp ủy, chính quyền cần nghiên cứu, lựa chọn những mô hình sản xuất phù hợp; động viên và hỗ trợ, hướng dẫn tham gia phát triển kinh tế theo các quy mô từ nhỏ đến lớn, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình. Chỉ khi đời sống phát triển, người dân có công việc và thu nhập ổn định thì họ sẽ không còn dễ dàng bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo vượt biên trái phép để tìm việc làm. Và khi đó, tình trạng xuất nhập cảnh trái phép mới có thể được giải quyết triệt để; góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị trên địa bàn toàn huyện./.

Tạ Quang Đạo – dangcongsan

Ý kiến tham luận

Welcome

Share.

About Author

Chuyên trang thông tin văn hóa, thể thao, thắng cảnh, ẩm thực Yên Bái.BTQ hi vọng đây sẽ là 1 sân chơi bổ ích dành cho các bạn, BQT mong muốn nhận được những chia sẻ về nơi mình sống, những nét đẹp văn hóa...Mọi đóng góp xin gửi đến mail: info@dulichsuoigiang.com, Xin chân thành cảm ơn!